hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mức phụ cấp công vụ dành cho mọi đối tượng hiện nay

Khi làm việc tại các cơ quan nhà nước, người ta thường nhắc đến phụ cấp công vụ. Vậy phụ cấp công vụ là gì? Mức phụ cấp công vụ được tính như thế nào? Cùng tìm hiểu quy định liên quan đến phụ cấp công vụ tại bài viết này.

Mục lục bài viết
  • Phụ cấp công vụ là gì?
  • Những ai được hưởng phụ cấp công vụ?
  • Điều kiện được hưởng phụ cấp công vụ?
  • Mức phụ cấp công vụ hiện nay
  • Công thức tính phụ cấp công vụ
Câu hỏi: Hiện nay đối tượng nào được nhận phụ cấp công vụ? Điều kiện được nhận phụ cấp công vụ là gì? Công thức tính phụ cấp công vụ được quy định ra sao?

Phụ cấp công vụ là gì?

Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về thuật ngữ phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, dựa theo quy định tại Điều 1 Nghị định 34/2012/NĐ-CP có thể hiểu về phụ cấp công vụ như sau: Phụ cấp công vụ là chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức, những người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước.

Những người nhận phụ cấp theo quy định này bao gồm những người làm việc tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và người phục vụ trong các các lực lượng vũ trang.

Phụ cấp công vụ là gì

Phụ cấp công vụ là gì

Như vậy, phụ cấp công vụ là khoản tiền được thêm vào tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp quân hàm để bù đắp thêm thu nhập cho các đối tượng trên.

Những ai được hưởng phụ cấp công vụ?

Điều 2 Nghị định 34/2012/NĐ-CP quy định về các đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ.

Đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ

Đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ

Theo đó các đối tượng này bao gồm:

  • Cán bộ;

  • Công chức (không bao gồm công chức làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập);

  • Cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở xã;

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động tại cơ quan hành chính nhà nước (không bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập);

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ nghĩa vụ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng phục vụ trong Quân đội nhân dân;

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn và công nhân, nhân viên công an và lao động hợp đồng phục vụ trong Công an nhân dân;

  • Người làm các công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

Điều kiện được hưởng phụ cấp công vụ?

Đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ để hưởng hượng phụ cấp công vụ cần được xếp lương hoặc phụ cấp quân hàm theo quy sau đây:

  • Đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11;

  • Đối với cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước: Nghị quyết 1003/2006/NQ-UBTVQH11;

  • Đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể: Quyết định 128-QĐ/TW;

  • Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang: Nghị định 204/2004/NĐ-CP;

  • Đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Nghị định 92/2009/NĐ-CP.

Mức phụ cấp công vụ hiện nay

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 34/2012/NĐ-CP, mức phụ cấp công vụ được xác định như sau:

Mức phụ cấp công vụ bằng 25% mức tiền lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc phụ cấp quân hàm.

Mức phụ cấp công vụ

Mức phụ cấp công vụ

Công thức tính phụ cấp công vụ

Như vậy, phụ cấp công vụ có thể được tính theo công thức sau:

Phụ cấp công vụ = (25% x Lương hiện hưởng) + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Hoặc:

Phụ cấp công vụ = (25% x Lương hiện hưởng) + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + Phụ cấp quân hàm

Một số nội dung cần lưu ý khi tính phụ cấp công vụ

Một số nội dung cần lưu ý khi tính phụ cấp công vụ như sau:

Thứ nhất, phụ cấp công vụ được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ hai, các khoảng thời gian sau không được tính hưởng phụ cấp công vụ:

  • Thời gian các đối tượng được hưởng phụ cấp đi công tác, làm việc học tập ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương;

  • Thời gian các đối tượng được hưởng phụ cấp nghỉ việc không hưởng lương liên tục trong thời gian từ 01 tháng trở lên;

  • Thời gian các đối tượng được hưởng phụ cấp nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

  • Thời gian các đối tượng được hưởng phụ cấp bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

Thứ ba, khi các đối tượng được hưởng phụ cấp thôi làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang thì thôi hưởng phụ cấp công vụ từ tháng tiếp theo.

Thứ tư, đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc phụ cấp đặc thù thì cũng được hưởng phụ cấp công vụ.

Thứ năm, kinh phí chi trả phụ cấp công vụ được đảm bảo từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác của cơ quan, đơn vị.

Trên đây là nội dung mức phụ cấp công vụ dành cho mọi đối tượng hiện nay. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung tại bài viết này vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X