hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 16/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mức trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (Cập nhật 2023)

Nhà nước quy định các cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định. Vậy khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có được hưởng trợ cấp không?

 
Mục lục bài viết
  • Ai được hưởng trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn?
  • Mức trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn là bao nhiêu?
  • Thủ tục hưởng trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn
Câu hỏi: Tôi là giáo viên đã công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được 10 năm. Vậy cho tôi hỏi khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn tôi có được hưởng trợ cấp không?

Ai được hưởng trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn?

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, các đối tượng tại Điều 2 Nghị định này, hiện đang công tác và có từ đủ 10 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khi chuyển ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn thì được hưởng trợ cấp một lần tính trên thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trước khi chuyển công tác, trợ cấp một lần do đơn vị quản lý trả lương chi trả. 

Cụ thể, các đối tượng gồm có:

- Cán bộ, công chức và viên chức, kể cả tập sự tại các cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội tại các cấp tại trung ương, địa phương.

- Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội theo chế độ hợp đồng lao động.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc theo chế độ hợp đồng được ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam chi trả lương.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân và lao động làm việc theo chế độ hợp đồng, được ngân sách Nhà nước thuộc Công an nhân dân chi trả lương;

- Người làm việc tại các tổ chức cơ yếu.

- Người làm việc theo chỉ tiêu biên chế trong các hội, được hỗ trợ kinh phí hoạt động bởi ngân sách Nhà nước.

Ai được hưởng trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn?Ai được hưởng trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn?

Lưu ý: Thời gian thực tế làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn là tổng thời gian người lao động làm việc có đóng BHXH bắt buộc ở vùng đặc biệt khó khăn, trường hợp có thời gian đứt quãng mà người lao động chưa được hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn (căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP).

Mức trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn là bao nhiêu?

Mức trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 76/2019/NĐ-CP. Theo đó, mức trợ cấp được quy định như sau:

Mỗi năm người lao động công tác tại vùng đặc biệt khó khăn thì được hưởng trợ cấp băng ½ mức lương tháng hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên (nếu có), được tính tại thời điểm chuyển công tác khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Mức trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn là bao nhiêu?Mức trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn là bao nhiêu?

Trong đó:

- Mức lương tháng hiện hưởng được tính dựa trên bảng lương do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Mức lương được hưởng tính theo công thức: Hệ số lương x mức lương cơ sở. 

  • Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15, từ ngày 01/7/2023 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

  • Đối với công chức, hệ số căn cứ vào chức danh được đảm nhiệm và theo quy định tại bảng hệ số ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, công chức sẽ được tính hệ số lương tương ứng với từng vị trí, chức danh.

- Đối với phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có): Được tính dựa trên bảng hệ số phụ cấp tương ứng với chức vụ đảm nhiệm ban hành kèm Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Các cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng chế độ phụ cấp của chức vụ đảm nhiệm theo công thức: Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo x mức lương cơ sở (1.800.000 đồng/tháng).

- Đối với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Theo quy định tại Thông tư 04/2005/TT-BNV, mức phụ cấp thâm niên vượt khung là 5% cho 03 năm (hoặc 02 năm, tuỳ từng đối tượng cụ thể) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch. Cứ mỗi năm tiếp theo sẽ được hưởng thêm 1% nếu đủ tiêu tiếp tục hưởng phụ cấp này. 

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức,... khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn thì cơ quan, đơn vị trả lương khi người lao động công tác có trách nhiệm chi trả trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn như trên cho người lao động.

Thủ tục hưởng trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn

Hiện nay, không có quy định cụ thể về hồ sơ yêu cầu chi trả trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt, do đó, tuỳ từng vào quy định của mỗi đơn vị mà người lao động chuẩn bị hồ sơ và yêu cầu giải quyết.

Theo điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, nguồn kinh phí và trách nhiệm chi trả trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn thuộc về cơ quan, đơn vị, tổ chức trả lương khi đối tượng chuyển công tác. 

Tức là trước đây cơ quan, đơn vị nào trả lương cho họ thì phải thực hiện trách nhiệm chi trả trợ cấp khi người này chuyển ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Như vậy, để được hưởng trợ cấp ra khỏi vùng có kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người lao động phải liên hệ với cơ quan quản lý trước khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn để lập hồ sơ và yêu cầu giải quyết chi trả trợ cấp. 

Trên đây là những thông tin về trợ cấp ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến hotline:  19006192 để được giải đáp.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X