hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 05/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mức phạt xây dựng không phép 2023? Làm gì để hợp thức hóa nhà xây không phép?

Mức xử phạt xây dựng không phép 2023 có tăng không? Nếu bị xử phạt thì làm gì để nhà ở không bị phá dỡ mà vẫn được hoàn công? Cùng HieuLuat giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Mức xử phạt xây dựng không phép 2023 có tăng không?
  • Các mức xử phạt xây dựng không phép 2023 như thế nào?
  • Bị xử phạt xây dựng không có giấy phép, có xin cấp giấy phép được không?
  • Ai có thẩm quyền xử phạt về giấy phép xây dựng?
  • Bị xử lý xây dựng không phép, làm gì để được hợp pháp hóa nhà ở?

Mức xử phạt xây dựng không phép 2023 có tăng không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có dự định xây mới căn nhà ở vào giữa năm nay.

Tôi chưa tìm hiểu về việc khu vực tôi ở có cần phải xin giấy phép xây dựng trước khi thi công hay không nên có một vài thắc mắc mong được Luật sư chỉ dẫn như sau:

Một là, nếu thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng mà chúng tôi không có thì có bị phạt không?

Mức phạt năm 2023 có tăng so với năm 2022 không?

Hai là, nếu bị xử phạt thì chúng tôi có được xin cấp bổ sung giấy phép xây dựng không?

Ba là, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt về vấn đề không có giấy phép xây dựng khi xây nhà ở riêng lẻ của gia đình tôi?

Chào bạn, mức xử phạt xây dựng không phép được áp dụng đối với chủ đầu tư công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Theo đó, mức xử phạt áp dụng đối với cá nhân bằng một nửa so với tổ chức.

Cụ thể, những câu hỏi về vấn đề mức xử phạt xây dựng trong năm 2023 so với năm 2022 mà bạn quan tâm được chúng tôi giải đáp như sau:

Các mức xử phạt xây dựng không phép 2023 như thế nào?

Trước hết, mức xử phạt xây dựng không phép được áp dụng với chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ năm 2023 so với năm 2022 không thay đổi bởi đều đang áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng số 16/2022/NĐ-CP.

Mức xử phạt được áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ trong từng trường hợp là khác nhau, như trong trường hợp thông thường, trong trường hợp xây dựng nhà ở tại khu bảo tồn/khu di tích lịch sử văn hóa hoặc khu vực yêu cầu lập bản báo kinh tế kỹ thuật.

Cụ thể, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt xây dựng không phép nhà ở với mức cao nhất có thể lên đến hơn 100 triệu đồng, thậm chí nếu tiếp tục thực hiện sau khi đã bị lập biên bản thì mức phạt có thể lên đến hơn 200 triệu đối với cá nhân.

Mức phạt áp dụng đối với tổ chức là gấp đôi so với cá nhân.

Chi tiết, mức phạt tiền tương ứng với từng trường hợp vi phạm như sau:

Trường hợp bị xử phạt

Mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân

(Đơn vị tính: đồng)

Mức tiền phạt áp dụng đối với tổ chức

(Đơn vị tính: đồng)

Xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép

30 - 40 triệu

60 - 80 triệu

Xây dựng nhà ở riêng lẻ không phép tại khu vực bảo tồn, khu di tích - lịch sử văn hóa

40 - 50 triệu

80 - 100 triệu

Xây dựng nhà ở riêng lẻ trong trường hợp phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi

60 - 70 triệu

120 - 140 triệu

Căn cứ pháp lý

khoản 7 Điều 16

Nếu người vi phạm đã bị lập biên bản về hành vi vi phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với hành vi xây dựng nhà ở không phép thuộc một trong 3 trường hợp nêu trên mà tiếp tục vi phạm thì xử phạt như sau:

Trường hợp bị xử phạt

Mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân

(Đơn vị tính: đồng)

Mức tiền phạt áp dụng đối với tổ chức

(Đơn vị tính: đồng)

Xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép

60 - 70 triệu

120 - 140 triệu

Xây dựng nhà ở riêng lẻ không phép tại khu vực bảo tồn, khu di tích - lịch sử văn hóa

70 - 80 triệu

140 - 160 triệu

Xây dựng nhà ở riêng lẻ trong trường hợp phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi

200 - 250 triệu

400 - 500 triệu

Căn cứ pháp lý

khoản 12 Điều 16

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải tháo dỡ, phá bỏ công trình, phần công trình vi phạm (phần công trình xây dựng không phép).

Kết luận: Mức xử phạt xây dựng không phép áp dụng đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ 2023 giữ nguyên so với 2022.

Mức xử phạt cụ thể được cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm quyết định dựa trên hành vi vi phạm thực tế, hồ sơ vi phạm.

Mức xử phạt xây dựng không phép 2023Mức xử phạt xây dựng không phép 2023


Bị xử phạt xây dựng không có giấy phép, có xin cấp giấy phép được không?

Căn cứ Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, chủ đầu tư có thể xin cấp giấy phép xây dựng khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng không có giấy phép với mức xử phạt như chúng tôi đã nêu trên.

Chủ đầu tư xin cấp giấy phép xây dựng để nhằm mục đích không bị phá dỡ nhà ở vi phạm và là căn cứ để thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất.

Việc cấp giấy phép được thực hiện sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành việc đóng nộp theo mức xử phạt xây dựng không phép được ghi nhận trong Quyết định xử phạt và phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Thời điểm xử phạt là khi công trình nhà ở riêng lẻ đang thi công xây dựng;

  • Nhà ở riêng lẻ trong trường hợp này phải đủ điều kiện cấp phép xây dựng, ví dụ như:

    • Phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng điểm dân cư;

    • Phù hợp với mục đích sử dụng đất được ghi nhận trên giấy tờ về quyền sử dụng đất;

    • Có hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đầy đủ và thực hiện theo trình tự luật định;

    • Hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

  • Thời hạn để thực hiện việc nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng của chủ đầu tư là trong vòng 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định xử phạt vi phạm;

Kết luận: Sau khi áp dụng mức xử phạt xây dựng không phép tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ có quyền xin cấp giấy phép xây dựng để hợp pháp hóa nhà ở bị xử phạt.

Tuy nhiên, chủ đầu tư nhà ở chỉ có thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt để nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng và chỉ không phải phá dỡ nhà ở vi phạm khi đã được cấp giấy phép xây dựng.

Thẩm quyền xử phạt xây dựng không phép 2023Thẩm quyền xử phạt xây dựng không phép 2023 


Ai có thẩm quyền xử phạt về giấy phép xây dựng?

Cá nhân có thẩm quyền xử phạt về hành vi xây dựng không giấy phép cũng là người có quyền quyết định mức xử phạt xây dựng không phép áp dụng đối với chủ đầu tư.

Căn cứ từ Điều 73 đến Điều 80 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, cụ thể những người này bao gồm:

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 10 triệu đồng;

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 200 triệu đồng;

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 300 triệu đồng;

  • Thanh tra viên xây dựng: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 1 triệu đồng;

  • Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 500 triệu đồng;

  • Chánh Thanh tra Sở Xây dựng: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 100 triệu đồng;

  • Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng: Được xử phạt tiền với mức tối đa là 1 tỷ đồng;

Kết luận: Mức xử phạt xây dựng không phép tối đa mà mỗi cá nhân có thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể tại Nghị định 16 như chúng tôi đã liệt kê ở trên.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa được áp dụng trong lĩnh vực xây dựng mà cá nhân có thẩm quyền được áp dụng xử phạt có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Để hợp pháp hóa nhà ở không có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư có thể thực hiện theo cách thức được chúng tôi nêu ở phía dưới.

Chủ đầu tư vẫn có thể được cấp giấy phép sau khi bị xử phạtChủ đầu tư vẫn có thể được cấp giấy phép sau khi bị xử phạt


Bị xử lý xây dựng không phép, làm gì để được hợp pháp hóa nhà ở?

Câu hỏi: Chào Luật sư, em trai tôi vừa bị cơ quan Nhà nước lập biên bản về hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng không có giấy phép xây dựng.

Theo thông tin em trai tôi cung cấp, rất có thể căn nhà mà em tôi xây dựng sẽ phải phá dỡ hoàn toàn vì việc xây dựng không phép này.

Xin hỏi Luật sư, trong trường hợp của em trai tôi, cần phải làm gì để hợp pháp hóa nhà ở đã xây?

Nhà đã xây có được hoàn công không?

Thủ tục hoàn công nhà xây dựng không giấy phép như thế nào?

Chào bạn, việc hoàn công nhà ở/hợp pháp hóa nhà ở không có giấy phép xây dựng có thể được thực hiện trong một vài trường hợp luật định.

Lúc này, người vi phạm ngoài việc phải chịu mức xử phạt xây dựng không phép theo Quyết định thì còn cần đảm bảo các điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng hoặc được xác nhận nhà ở tồn tại hợp pháp, làm căn cứ thực hiện hoàn công.

Toàn bộ vướng mắc của bạn đã nêu trên được chúng tôi giải đáp chi tiết dưới đây.

Bị xử phạt khi không có giấy phép xây dựng, hợp pháp hóa nhà ở thế nào?

Từ thông tin bạn cung cấp, chúng hiểu rằng, việc hợp pháp hóa nhà ở chính là thủ tục, cách thức để nhà ở được tồn tại hợp pháp khi bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng không có giấy phép.

Để được hợp pháp hóa nhà ở xây dựng khi không có giấy phép, người vi phạm cần phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (nếu nhà ở đang được thi công) hoặc phải được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận tồn tại hợp pháp (nếu nhà ở đã hoàn thành việc xây dựng).

Đây là thủ tục được thực hiện sau khi người vi phạm đã hoàn thành đóng nộp theo mức xử phạt xây dựng không phép của mình.

Trong trường hợp của bạn, để được hợp pháp hóa nhà ở đã xây dựng không có giấy phép và đang trong giai đoạn thi công, bạn tiến hành thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, bạn chuẩn bị 02 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện

  • Để được cấp, bạn cũng cần đảm bảo công trình nhà ở của mình đủ điều kiện cấp phép xây dựng ví dụ như phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…;
  • Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

    • Đơn xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở (mẫu số 01 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP);

    • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/quyết định giao đất/… hoặc giấy tờ khác theo quy định chứng minh về quyền sử dụng đất hợp pháp;

    • Văn bản cam kết đảm bảo an toàn công trình lân cận nếu việc xây dựng nhà ở có công trình lân cận;

    • Bản vẽ thiết kế công trình xây dựng nhà ở của bạn;

    • Căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn thời hạn của bạn;

Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng

  • Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ của bạn;

  • Kiểm tra hồ sơ, tiến hành thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng;

  • Kiểm tra thực địa yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng;

  • Quyết định việc cấp giấy phép xây dựng;

Bước 3: Trả kết quả cho người yêu cầu

  • Bạn hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, nhận giấy phép xây dựng mới (nếu đủ điều kiện được cấp);

  • Nhận văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc không cấp giấy phép xây dựng và lý do không cấp;

Có thể hợp pháp hóa nhà ở xây dựng không có giấy phépCó thể hợp pháp hóa nhà ở xây dựng không có giấy phép

Lưu ý:

  • Nếu bạn không được cấp giấy phép xây dựng mới theo quy định Luật Xây dựng thì buộc phải phá dỡ công trình nhà ở đã xây dựng;

  • Việc phá dỡ được bạn tự mình tự hiện theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị buộc phải phá dỡ nếu không tự nguyện thực hiện;

Riêng trường hợp công trình nhà ở đã hoàn thành xây dựng thì để được hợp pháp hóa, chủ đầu tư cần phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho phép nhà ở tồn tại hợp pháp như sau:

h) Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006; trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.

Như vậy, để được hợp pháp hóa nhà ở, người vi phạm ngoài việc phải chịu mức xử phạt xây dựng không phép thì cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng mới hoặc xin chấp thuận cho phép nhà ở được tồn tại hợp pháp từ Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Thủ tục hoàn công nhà đối với trường hợp nhà ở xây dựng không có giấy phép được chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Thủ tục hoàn công khi bị xử phạt xây dựng không phép ra sao?

Trước hết, pháp luật hiện hành không định nghĩa hoàn công nhà là gì.

Thay vào đó, đối với nhà ở riêng lẻ, việc hoàn công nhà có thể được hiểu là việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở vào giấy chứng nhận/sổ hồng của người sử dụng đất.

Việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở vào sổ hồng có thể là việc cấp sổ đỏ lần đầu đối với đất và nhà ở trên đất hoặc đăng ký quyền sở hữu nhà ở sau khi đất đã được cấp sổ hồng.

Các bước đăng ký quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP bao gồm:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất

  • Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận, thẩm định hồ sơ

  • Bước 3: Quyết định việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất

  • Bước 4: Trả kết quả

Chi tiết các công việc được thực hiện trong từng bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất

Chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT gồm:

  • Đơn đề nghị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, mẫu sử dụng là mẫu số 04/ĐK;

  • Giấy phép xây dựng đã được cấp/hoặc văn bản xác nhận nhà ở được tồn tại hợp pháp của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;

  • Sơ đồ nhà ở đã hoàn thành xây dựng;

  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính theo quy định;

  • Văn bản ủy quyền (nếu có);

  • Căn cước công dân/chứng minh nhân dân của chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ (bản sao);

Thủ tục hoàn công nhà sau khi đã bị xử phạt về hành vi xây dựng không phépThủ tục hoàn công nhà sau khi đã bị xử phạt về hành vi xây dựng không phép

Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ

  • Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ đã tiếp nhận từ Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về tình trạng nhà ở trên đất;

  • Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, thẩm định hồ sơ trên thực địa, trích lục bản đồ địa chính/trích đo địa chính đối với thửa đất xin đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất;

  • Nếu việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất được thực hiện cùng với thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận lần đầu thì chuyển hồ sơ cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường cùng cấp để thực hiện các công việc tiếp theo sau khi xác nhận điều kiện cấp sổ hồng/đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất;

Bước 3: Quyết định việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất

  • Cơ quan Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất quyết định cấp sổ (trong trường hợp cấp sổ lần đầu) hoặc xác nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất trong sổ đỏ cho chủ đầu tư;

  • Chuyển hồ sơ cho bộ phận tiếp nhận để trả cho người yêu cầu;

Bước 4: Trả kết quả

  • Người yêu cầu hoàn thiện nghĩa vụ tài chính trước khi nhận sổ đỏ đã được đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất từ cơ quan có thẩm quyền;

Kết luận: Chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ sau khi đã hoàn thiện mức xử phạt xây dựng không phép theo quy định và được cấp giấy phép xây dựng/hoặc được xác nhận nhà ở tồn tại hợp pháp thì vẫn có thể được đăng ký quyền sở hữu.

Trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở trên đất trong trường hợp bị xử phạt xây dựng không phép được chúng tôi trình bày chi tiết ở trên.

Trên đây là giải đáp về vấn đề mức xử phạt xây dựng không phép, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được tư vấn kịp thời.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X