hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 31/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Năm 2022, người dân cần lưu ý gì với rác thải sinh hoạt?

Từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều quy định liên quan đến vấn đề rác thải sinh hoạt.

Câu hỏi: Tôi nghe nói từ năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi về việc thu gom rác thải sinh hoạt. Hiện nay, tổ dân phố nơi tôi ở vẫn chưa có hướng dẫn gì nên tôi rất hoang mang. Xin chỉ giúp tôi những điều cần lưu ý?

Chào bạn. Từ năm 2022, sẽ có một số thay đổi liên quan đến rác thải sinh hoạt mà người dân cần lưu ý như sau:

Không phân loại rác có thể không được thu gom

Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định như sau:

2. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này.

Như vậy, từ ngày 01/01/2022 - ngày có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác có thể bị từ chối thu gom, đồng thời, có thể bị báo với cơ quan có thẩm quyền và bị xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, quy định của Luật này mới chỉ dừng lại ở việc quy định thẩm quyền của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là "có quyền từ chối" chứ không mặc định là người dân không phân loại rác thì bị từ chối thu gom. Vì thế, nếu cơ sở này vẫn tiếp tục cho phép người dân không phân loại rác thì người dân cũng có thể không cần thực hiện công việc này.

Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành về vấn đề này.

can luu y gi voi rac thai sinh hoat
Từ năm 2022, người dân có thể phải phân loại rác trước khi thải bỏ (Ảnh minh họa)

Cần phân loại rác như thế nào?

Khoản 1 Điều 75 của Luật này quy định như sau:

Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tại chế;

b) Chất thải thực phẩm;

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Như vậy, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân thành 03 loại như sau:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.

- Chất thải thực phẩm.

- Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Thay đổi cách tính phí thu gom rác

Khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau:

1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Như vậy, giá dịch thu gom rác thải sinh hoạt mà mỗi hộ gia đình, cá nhân phải trả hằng tháng căn cứ vào “khối lượng, “thể tích” rác thải sau khi được phân loại. Trong khi đó, trước nay, mức giá dịch vụ này đang được tính theo đầu người hoặc theo hộ gia đình.
Dẫu vậy, bạn cũng không cần quá lo lắng bởi nếu chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo nhiều chuyên gia, việc tính phí rác thải theo khối lượng rác được cho là đảm bảo công bằng và giúp hạn chế rác thải sinh hoạt, giảm áp lực cho các hệ thống xử lý rác cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống.

Đây được cho là ưu điểm nổi bật, đáng chú ý của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tuy nhiên, chưa chắc được áp dụng ngay vào năm 2022. Bởi, khoản 7 Điều 79 Luật này chỉ rõ:

7. Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Nghĩa là, tùy từng địa phương, quy định tính phí rác thải theo cân được "áp" chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Trên đây là giải đáp năm 2022, người dân cần lưu ý gì với rác thải sinh hoạt? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Từ 01/01/2022, không phân loại rác sẽ bị xử phạt, đúng không?

Có thể bạn quan tâm

X