hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 13/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tôi nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu?

Do hoàn cảnh khó khăn và sự thay đổi tình hình kinh tế - xã hội…mà nhiều người lao động muốn rút BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống. Nhưng quyết định đó của họ có thật sự đúng đắn? Người lao động nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu?

Câu hỏi: (Đức Hùng – duchungvn974x@...) Tôi đã 62 tuổi, đi làm và đóng BHXH đã được 18 năm với mức lương đóng BHXH là 7 triệu đồng/tháng.

Tôi đã nghỉ việc hơn 1 năm nay và về quê sống. Tôi rất muốn có khoản tiền dưỡng già, nhưng mặt khác tôi cũng sợ rằng mức lương hưu sau này của tôi sẽ còn thấp hơn cả lương tối thiểu vùng nên đang suy nghĩ đến việc rút BHXH 1 lần.

Hieuluat cho tôi hỏi liệu tôi có đủ điều kiện rút bảo hiểm xã hội 1 lần không? Trường hợp của tôi nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu?

Chào anh, xoay quanh vấn đề nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu, chúng tôi xin đưa ra bình luận như sau:

Điều kiện rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, người lao động thuộc một trong những trường hợp dưới đây mà có yêu cầu rút BHXH 1 lần thì cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết:

- Đủ tuổi nhận lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH (hoặc lao động nữ hoạt động chuyên trách/không chuyên trách tại địa phương mà chưa có đủ 15 năm đóng BHXH) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

- Ra nước ngoài định cư;

- Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, HIV/AIDS, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng và những bệnh khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

- Những đối tượng sau khi xuất ngũ, phục viên, thôi việc mà không đủ điều kiện nhận lương hưu sau:

  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân;
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Trên thực tế, anh đã đủ tuổi nhận lương hưu (Căn cứ: khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP) nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH nên anh đủ điều kiện rút BHXH 1 lần.

Người lao động nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu để nhận nhiều lợi ích nhất?

Nhiều người lao động không biết mình nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưuNhiều người lao động không biết mình nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu

Có thể khẳng định, người lao động nên nhận lương hưu hơn là rút BHXH 1 lần bởi những lý do sau:

Thứ nhất, mức hưởng lương hưu cho một năm cao hơn so với mức hưởng BHXH một lần, cụ thể:

Giả sử mức lương đóng BHXH bình quân của người lao động là 07 triệu/tháng.

Theo Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động phải đóng 8% trên mức lương đóng BHXH bình quân còn người sử dụng đóng và 14% do bên sử dụng lao động đóng. Do vậy, tổng số tiền đóng vào quỹ BHXH trong 01 năm là: 7 triệu đồng/tháng x 22% x 12 tháng = 18,48 triệu đồng.

- Trường hợp 1. Rút BHXH 1 lần

Theo khoản 2 Điều 60 Luật BHXH, mức hưởng BHXH một lần giao động từ 1,5 – 02 tháng (tùy trường hợp) mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia.

Như vậy, tổng tiền BHXH hưởng một lần cho một năm ở mức cao nhất là: 7 triệu đồng x 02 x 1 năm = 14 triệu đồng (nhỏ hơn 18,48 triệu đồng).

- Trường hợp 2. Hưởng lương hưu

Dựa vào nội dung Điều 56 Luật BHXH năm 2014, ta thấy: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động tối thiểu từ 45% và tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Vậy là, ở mức tối thiểu, tổng tiền lương hưu người lao động nhận được trong 01 năm là: 7 triệu x 45% x 12 tháng = 37,8 triệu đồng (lớn hơn 18,48 triệu đồng).

So sánh tương quan có thể thấy, người lao động sẽ nhận được ít tiền hơn nếu tiến hành rút BHXH 1 lần.

Thứ hai, rút BHXH 1 lần sẽ khiến người lao động mất 04 khoản hỗ trợ khác

Rất nhiều người lao động phân vân nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu vì lo sợ tiền lương hưu sau này sẽ thấp hơn lương tối thiểu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi quyết định rút BHXH thì người lao động sẽ mất đi 04 khoản hỗ trợ nữa, cụ thể:

- Không có lương hưu khi về già: nếu đóng BHXH thay vì rút 1 lần, người lao động có thể được hưởng lên đến 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khi đã quyết định rút BHXH 1 lần thì người lao động sẽ không còn được hưởng chế độ này nữa.

- Mất tiền mua BHYT: Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người nhận lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Nếu rút BHXH 1 lần, người lao động phải tự bỏ tiền mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình với mức thanh toán là 80%, thay vì là 95% theo Điều 22 Luật BHYT 2008 (sửa đổi năm 2014).

- Không được hưởng chế độ tử tuất, mai táng: Căn cứ nội dung từ Điều 66 đến Điều 70 Luật BHXH, chế độ tử tuất và mai táng áp dụng cho người hưởng lương hưu và thân nhân của người này (nếu đủ điều kiện), trong đó:

  • Trợ cấp mai táng: bằng 10 lần mức lương cơ sở;
  • Trợ cấp tuất: tối đa 70% mức lương cơ sở/tháng nếu nhận theo tháng hoặc tối đa là 48 lần mức lương người nhận tiền hưu hằng tháng đang hưởng.

Nếu người lao động quyết định rút BHXH 1 lần thì quyền lợi từ chế độ tử tuất, mai táng cũng đương nhiên không được hưởng.

Như vậy, trong trường hợp của anh, anh nên tiếp tục đóng BHXH để nhận được thêm các khoản hỗ trợ khác thay vì rút BHXH 1 lần.

Xem tiếp: Đi định cư nước ngoài có được hưởng lương hưu không?

Trên đây là một số nội dung liên quan đến vấn đề nên rút BHXH 1 lần hay nhận lương hưu. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn chi tiết, kịp thời.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X