hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 08/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiền được đền bù bao nhiêu?

Khi có tiền rảnh rỗi và không biết đầu tư gì, nhiều người chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì vừa an toàn, vừa có lãi. Vậy, nếu ngân hàng phá sản, liệu người gửi tiền có được trả lại toàn bộ tiền gửi không?

Câu hỏi: Vừa rồi, em rút vốn làm ăn chung với bạn về được 500 triệu. Em đã đem gửi vào ngân hàng. Xin cho biết, ngân hàng có phá sản được không? Nếu ngân hàng phá sản, em có lấy lại được tiền của mình về không?

Chào bạn. Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được hỗ trợ như sau:

Ngân hàng có thể phá sản hay không?

Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 quy định việc phá sản của ngân hàng như sau:

Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Như vậy, theo quy định này, ngân hàng vẫn có thể phá sản.

Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng nào phá sản. Bởi, việc phá sản phải trải qua một quy trình phức tạp với nhiều biện pháp phục hồi.

Theo Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, chỉ sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì mới đến giai đoạn tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

duoc den bu bao nhieu neu ngan hang pha san
Ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ gặp nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có lấy được tiền?

Do ngân hàng được phép phá sản, nên để giảm thiểu rủi ro cho người gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 yêu cầu các ngân hàng phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi:

1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Khi mua bảo hiểm tiền gửi, nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiền sẽ được chi trả một khoản tiền trong hạn mức. Trước đây, hạn mức này là 75 triệu đồng, nghĩa là ngân hàng phá sản thì người gửi tiền được chi trả tối đa 75 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/12/2021.

Như vậy, từ ngày 12/12/2021, nếu bạn gửi tiền mà ngân hàng phá sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng.

Trường hợp của bạn, gửi vào ngân hàng 500 triệu nhưng nếu ngân hàng phá sản chỉ được đền bù tối đa 125 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi sẽ có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Theo quy định của luật phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng lần lượt như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi.

Trên đây là thông tin được đền bù bao nhiêu nếu ngân hàng phá sản. Nếu còn có vướng mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X