hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 31/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghỉ ngang công ty sẽ không chốt sổ bảo hiểm xã hội, đúng không?

Có nhiều trường hợp người lao động nghỉ ngang trong quá trình làm việc và không được công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội. Vậy nếu nghỉ ngang công ty không chốt sổ bảo hiểm thì công ty có đang làm đúng không?

Mục lục bài viết
  • Người lao động nghỉ ngang, công ty có phải chốt sổ bảo hiểm?
  • Nghỉ ngang công ty không chốt sổ bảo hiểm, công ty có bị phạt?
  • Người lao động nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Câu hỏi: Tôi đang làm việc ở một doanh nghiệp, hợp đồng lao động ký 1 năm. Đợt rồi do mâu thuẫn trong công việc nên tôi nghỉ ngang mà không báo trước. Công ty báo sẽ không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho tôi vì tôi nghỉ việc trái phép. Cho tôi hỏi, công ty làm vậy có đúng luật không? Hiện tôi chưa được xin được việc mới liệu tôi có làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp được không?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat, vấn đề của bạn, chúng tôi xin được thông tin như sau:

Người lao động nghỉ ngang, công ty có phải chốt sổ bảo hiểm?

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể như sau:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

- Trả lại sổ Bảo hiểm xã hội cùng với bản chính giấy tờ khác (nếu đã giữ của người lao động)

Ngoài ra, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội thuộc về người sử dụng lao động cho dù bạn có nghỉ việc đúng quy định hay không?

Nếu người sử dụng lao động cố tình không trả lại sổ BHXH cho người lao động thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công đoàn công ty hoặc thanh tra lao động Sở lao động – thương binh và xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội để cơ quan này giải quyết buộc người sử dụng lao động thực hiện chốt và trả lại sổ BHXH cho bạn. Bên cạnh đó có thể khởi kiện trực tiếp lên Tòa án quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Xem tiếp: Bảo hiểm xã hội được bảo lưu trong bao lâu?

nghi ngang cong ty khong chot so bao hiem

Nghỉ ngang công ty không chốt sổ bảo hiểm, công ty có bị phạt?

Từ thông tin đã nêu trên, có thể thấy việc chốt sổ BHXH là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Nếu người sử dụng lao động cố tình không chốt sổ cho người lao động, công ty bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

- Từ 1 – 2 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 2 – 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 10 – 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 15 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Và cũng theo điểm b khoản 4 Điều này, thì biện pháp khắc phục với người sử dụng lao động là buộc phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật quy định.

Người lao động nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Người lao động tự nghỉ việc nên hành vi này được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Vì vậy, căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động phải sẽ không được trợ cấp thôi việc.

Đồng thời phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

Bên cạnh đó, phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định.

Ngoài ra, người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước hoặc báo trước không đúng thời hạn quy định (tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019) thì được xem như là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Do đó, bạn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.

Trên đây là giải đáp ​về vấn đề nghỉ ngang công ty không chốt sổ bảo hiểm. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X