hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 12/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghỉ ốm trong thời gian mang thai được hưởng quyền lợi gì?

Việc xác định nghỉ ốm hưởng chế độ thai sản hay chế độ ốm đau hiện nay vẫn nhiều người nhầm lẫn. Nghỉ ốm trong thời gian mang thai được hưởng quyền lợi gì?

Câu hỏi: Xin chào luật sư. Em có một vấn đề xin được trợ giúp pháp lý như sau: Em nghỉ ốm trong thời gian mang thai do thai yếu, có nguy cơ sảy thai thì em được hưởng chế độ ốm đau hay thai sản? Em đã tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty được 05 năm rồi ạ.

Thai yếu được hưởng chế độ ốm đau hay thai sản?

Chào bạn. Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Lao động nữ mang thai;

- Lao động nữ sinh con;

- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Bạn thuộc trường hợp là người đang mang thai. Tuy nhiên, khi mang thai, người lao động chỉ được hưởng chế độ khám thai. Theo đó, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Trường hợp của bạn không phải nghỉ khám thai mà thai yếu nên không được hưởng chế độ thai sản.

Về chế độ ốm đau, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động được hưởng chế độ ốm đau nếu ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh, không thuộc trường hợp tự hủy hoại sức khỏe, say rượu, dùng ma túy…

Khoản 2 Điều 26 Luật này cũng quy định, nếu người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Hiện nay, Danh mục này được liệt kê tại Thông tư 46/2016/TT-BYT. Theo đó, một số trường hợp thai nghén được liệt kê vào Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày như chửa trứng, rau tiền đạo trung tâm, rỉ ối có điều trị để làm chậm chuyển dạ, rau cài răng lược…

Vì thế, trường hợp bạn nghỉ việc do thai yếu nếu thuộc một trong các bệnh liệt kê trong Thông tư 46 có thể được nghỉ ốm dài ngày nghĩa là hưởng chế độ ốm đau chứ không phải chế độ thai sản.

Nếu không mắc các bệnh thuộc danh mục kia vẫn có thể được hưởng chế độ nghỉ ốm thông thường nếu được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

nghi om trong thoi gian mang thai

Chế độ ốm đau khi nghỉ việc do thai yếu thế nào?

Thời gian nghỉ ốm đau do thai yếu căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa như sau:

Trường hợp ốm đau thông thường:

- Nếu bạn làm việc trong điều kiện bình thường xin nghỉ ốm đau để dưỡng thai được nghỉ tối đa 30 ngày/năm do bạn đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (cụ thể là 05 năm). Nếu tham gia BHXH nhiều hơn, số ngày nghỉ sẽ tăng thêm gồm: 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Nếu bạn làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nghỉ ốm.

Trường hợp ốm đau thuộc Danh mục cần điều trị dài ngày

- Thời gian nghỉ tối đa 180 ngày.

- Sau 180 ngày nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Về mức hưởng khi nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính theo tháng:

Mức hưởng = 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc hoặc mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó nếu bạn mới bắt đầu làm việc hoặc trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc.

Nếu đã nghỉ 180 ngày do thuộc Danh mục bệnh điều trị dài ngày thì mức hưởng sau đó thấp hơn cụ thể như sau:

- Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (trường hợp của bạn)

- Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

- Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

Trên đây là giải đáp nghỉ ốm trong thời gian mang thai được hưởng quyền lợi gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Toàn bộ chế độ ốm đau người lao động cần biết

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X