Lao động nữ bình thường mang thai khi sinh nở sẽ có 6 tháng nghỉ thai sản. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu trong thời gian nghỉ sinh có được tính phép năm hay không?
Chào bạn, việc nghỉ sinh có được tính phép năm không chắc hẳn sẽ là thắc mắc chung của nhiều người, nhất là với lao động nữ sinh nở lần đầu. Chúng tôi xin được thông tin về vấn đề của bạn như sau:
Nghỉ sinh có được tính phép năm không?
Một chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội là nghỉ thai sản hay còn được gọi là nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hoặc lao động na, nghỉ việc khi vợ sinh con.
Còn nghỉ phép hằng năm cũng là một trong những chế độ của người lao động nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người lao động.
Người lao động khi đáp ứng được điều kiện về thời gian làm việc cho một người sử dụng lao động thường xuyên thì được hưởng chế độ nghỉ phép hằng năm.
Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nghỉ phép hằng năm thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động tương ứng như sau:
- Được nghỉ phép 12 ngày làm việc/năm đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- Được nghỉ phép 14 ngày làm việc/năm đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Được nghỉ phép 16 ngày làm việc/năm đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Trong đó, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm được hướng dẫn tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP gồm:
- Thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định về bảo hiểm xã hội
Như vậy, thời gian làm việc cho người lao động là cơ sở để xác định chính xác số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động bao gồm cả thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản.
Điều đó có nghĩa, đối với những trường hợp nghỉ chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vẫn được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động và là cơ sở để tính ngày nghỉ phép hằng năm cho người lao động.
Như vậy, bạn nghỉ thai sản vẫn được tính phép năm. Thời gian nghỉ là 6 tháng thì mỗi tháng bạn có thêm 01 ngày phép n
Thai sản là một trong những chế độ quan trọng đối với lao động nữ khi mang thai và sinh con. (Ảnh minh họa)
Chồng nghỉ thai sản có bị trừ phép năm không?
Chào bạn, căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 113 Bộ Luật lao động 2019 có quy định về nghỉ phép năm thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho cùng một đơn vị thì được nghỉ hằng năm. Số ngày nghỉ cụ thể được xác định dựa trên tính chất công việc mà người lao động thực hiện.
Như vậy, ngày nghỉ của lao động nam để chăm sóc vợ sinh con thuộc chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Còn ngày nghỉ phép năm lại theo quy định của Bộ Luật lao động. Hai chế độ này là tách biệt nhau và những ngày nghỉ để chăm sóc vợ sinh con sẽ không bị trừ vào số ngày nghỉ phép năm của bạn.
Trên đây là giải đáp về việc nghỉ sinh có được tính phép năm không? Nếu còn thắc mắc khác về chủ đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây hoặc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Nghỉ thai sản, cần báo trước với doanh nghiệp bao nhiêu ngày?