hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 17/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghỉ sinh có được tính vào thời gian tập sự hay không?

Tập sự là chế độ đối với người được tuyển dụng vào viên chức làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Vậy nghỉ sinh thì có được tính vào thời gian tập sự không?

Câu hỏi: Tôi mới trúng tuyển vào đơn vị sự nghiệp công lập và được yêu cầu tập sự trong vòng 12 tháng, có nghĩa là đến tháng 04/2023 mới kết thúc thời gian tập sự. Nhưng tháng 10/2022 tôi sẽ nghỉ sinh. Vậy nếu tôi nghỉ sinh thì thời gian 6 tháng thai sản có được tính vào thời gian tập sự không? Hay hết thai sản tôi tiếp tục tập sự?

Căn cứ vào nội dung câu hỏi và các quy định hiện hành, Hieuluat xin được thông tin về vấn đề của bạn như sau:

Nghỉ sinh trong thời gian tập sự có được trừ thời gian tập sự không?

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì người được tuyển dụng vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Thời gian tập sự được quy định cụ thể như sau:

- 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng

- 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng

- 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

Điều luật này cũng quy định thời gian không được tính vào thời gian tập sự, gồm:

- Nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội

- Thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên

- Thời gian nghỉ không hưởng lương

- Thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên có thể thấy, thời gian nghỉ sinh con thuộc trường hợp không được tính vào thời gian tập sự. Sau thời gian nghỉ sinh, bạn vẫn phải tập sự thêm thời gian để đủ 12 tháng theo quy định.

nghi sinh trong thoi gian tap su

Nghỉ sinh trong thời gian tập sự có bị mất việc?

Câu hỏi: Tôi đang là viên chức tập sự, trong thời gian tập sự tôi mang thai và nghỉ sinh. Tính ra tôi tập sự được 9 tháng. Cho tôi hỏi, nếu nghỉ sinh trong thời gian tập sự liệu có bị mất việc làm hay không?

Chào bạn, theo quy định về điều kiện chấm dứt hợp đồng với người tập sự tại Điều 25 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:

Người tập sự sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng tập sự.

Người tập sự khi bị chấm dứt hợp đồng làm việc được đơn vị sự nghiệp công lập trợ cấp 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.

Còn theo quy định về nghỉ thai sản tại Điều 139 Luật lao động năm 2019 có quy định:

-  Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng

- Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng

-  Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Trước khi hết thời gian 6 tháng nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.

Nếu đi làm sớm, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Cũng theo Điều 140 Bộ luật Lao động thì lao động nữ khi sinh con thuộc một trong các trường hợp được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; nếu việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Như vậy, đối chiếu theo các quy định của pháp luật thì bạn có đủ các điều kiện để được hưởng thời gian nghỉ thai sản theo quy định và không bị mất việc làm. Vì người tập sự chỉ bị chấm dứt hợp đồng khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian nghỉ sinh con không được tính vào thời gian tập sự nên bạn phải hoàn thành nốt thời gian tập sự còn lại sau khi hết thời gian thai sản.

Trên đây là giải đáp về vấn đề nghỉ sinh trong thời gian tập sự. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Nghỉ sinh con có được hưởng lương ở công ty hay không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X