Nhiều người lao động khi nghỉ thai sản xong muốn nghỉ việc luôn. Vậy trong trường hợp đó họ có được nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc,..hay không?
- Nghỉ thai sản xong xin nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
- Trong thời gian nghỉ thai sản viết đơn thôi việc được không?
- Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được hưởng tiền dưỡng sức không?
- Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
- Thủ tục báo giảm hẳn sau khi nghỉ thai sản thế nào?
Nghỉ thai sản xong xin nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi đang là nhân viên sản xuất cho một công ty sơ chế thực phẩm. Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ thời điểm ký hợp đồng lao động với công ty cách đây 5 năm. Sắp tới tôi nghỉ sinh và muốn nghỉ việc luôn khi sinh. Tôi muốn biết nếu tôi nghỉ sinh xong xin nghỉ việc luôn thì tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Xin cảm ơn
Chào bạn, HieuLuat cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:
Người lao động (NLĐ) đang đóng BHTN theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn/có xác định thời hạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp/bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 như sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động, trừ 2 trường hợp:
+ NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật: Ví dụ: NLĐ vi phạm thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động,...;
+ NLĐ đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
- NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chất dứt hợp đồng lao động: Áp dụng đối với trường hợp NLĐ ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
+ Hoặc NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động: Áp dụng đối trường hợp NLĐ ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định trong thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
- NLĐ đã thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc trong khoảng thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động;
- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, NLĐ chưa tìm được việc làm, trừ các trường hợp:
+ Đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập mà có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Đang chấp quyết định áp dụng các biện pháp như đưa vào trại giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành hình phạt tù;
+ Đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc ra nước ngoài định cư;
+ Chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.
Như vậy, từ các căn cứ đã nêu, bạn nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đảm bảo đầy đủ điều kiện:
- Tại tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản có đóng BHTN;- Đáp ứng đủ các điều kiện về hưởng trợ cấp thất nghiệp như quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 như chúng tôi đã giải đáp ở trên.
Riêng đối với NLĐ nghỉ thai sản, thời gian NLĐ được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP như sau:
2. Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
…
c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
…
Theo đó, trường hợp lao động nữ nghỉ việc ngay sau khi nghỉ thai sản thì tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động được xác định là tháng ngay trước thời điểm lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Kết luận: Bạn nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn vẫn có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đảm bảo các điều kiện như chúng tôi đã giải đáp ở trên.Trong thời gian nghỉ thai sản viết đơn thôi việc được không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Tôi đang là nhân viên lễ tân cho một khách sạn. Tôi ký hợp đồng lao động với khách sạn cách đây 02 năm. Thời gian tới tôi nghỉ sinh và cũng muốn có thời gian chăm sóc con nên muốn nghỉ việc luôn trong khi đang nghỉ thai sản. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, tôi có thể viết đơn xin nghỉ việc luôn trong thời gian đang nghỉ sinh không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, với thông tin bạn cung cấp và dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp như sau:
Căn cứ điểm b, điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 về thời gian báo trước của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
….
Từ căn cứ trên, pháp luật cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian nhất định.
Vì vậy, trong thời gian nghỉ thai sản bạn có quyền viết đơn xin nghỉ việc đến khách sạn nơi bạn đang làm việc, nhưng đơn này phải viết và gửi trước ít nhất theo khoảng thời hạn 30 ngày hoặc 45 ngày tùy từng loại hợp đồng lao động. Khi đã gửi đơn thông báo trước cho khách sạn đủ thời hạn theo luật định thì bạn không được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và không bị bồi thường hợp đồng lao động.
Do bạn chưa cung cấp cho chúng tôi loại hợp đồng mà bạn tham gia ký kết với công ty là loại nào nên đối chiếu với những giải đáp của chúng tôi ở trên, bạn có thể lựa chọn thời điểm gửi đơn cho phù hợp.
Nghỉ thai sản có là lý do để được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không? (Ảnh minh họa)
Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được hưởng tiền dưỡng sức không?
Câu hỏi: Chào anh chị, tôi có câu hỏi xin được giải đáp: Tháng 06 tới đây tôi bắt đầu nghỉ thai sản. Tôi muốn nghỉ thai sản xong thì nghỉ việc luôn. Vậy trong trường hợp đó tôi có được hưởng tiền dưỡng sức không? Xin cảm ơn.
Lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày;
Lưu ý: Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Theo đó, thời điểm nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau sinh là trong khoảng 30 ngày kể từ ngày người lao động quay trở lại công ty để làm việc. Điều đó có nghĩa là nếu sau khi sinh, người lao động không quay trở lại làm việc thì không có căn cứ để người lao động được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.
Vì vậy, sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản mà bạn không quay trở lại làm việc thì bạn không đủ điều kiện để được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định của pháp luật.
Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Tôi ký hợp đồng lao động với công ty từ năm 2005 và làm việc từ thời điểm đó đến nay. Tháng tới tôi bắt đầu thời gian nghỉ thai sản. Tôi muốn nghỉ thai sản xong thì nghỉ việc luôn. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không? Xin cảm ơn.
Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động khi đảm bảo các điều kiện:
- Khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động vì một trong các căn cứ:+ Hết hạn hợp đồng lao động;
+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật (không vi phạm thời gian báo trước);
- Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên;- Ngoài ra, người sử dụng lao động không phải chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động nếu: Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định hoặc người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở theo quy định;
Như vậy, theo căn cứ trên, bạn có thể hưởng trợ cấp thôi việc nếu nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn mà vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Xem thêm: Cách tính trợ cấp thôi việc mới nhấtThủ tục báo giảm hẳn sau khi nghỉ thai sản thế nào?
Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi đang là nhân viên trong một công ty thương mại. Hiện nay, tôi đang làm thủ tục báo giảm hẳn sau khi nghỉ thai sản cho người lao động. Nhưng tôi chưa biết thủ tục báo giảm lao động trong trường hợp này được thực hiện như thế nào? Mong HieuLuat hướng dẫn thủ tục này cho tôi. Xin cảm ơn.
Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn là một trong những trường hợp người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục báo giảm lao động cho cơ quan Bảo hiểm xã hội (khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Thủ tục báo giảm lao động/giảm bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ báo giảm BHXH gồm có các giấy tờ theo Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) theo Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH;
- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK3-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH;
- Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... theo mẫu D02-LT ban hành kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH;;
- Bảng kê thông tin theo Mẫu D01-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH;
Số lượng hồ sơ cần chuẩn bị: 01 bộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người sừ dụng lao động có thể tiến hành nộp hồ sơ báo giảm BHXH bằng hình thức nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng.
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH: Người sử dụng lao động đến trực tiếp cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện hoặc tỉnh nơi đang quản lý doanh nghiệp của mình để nộp hồ sơ trực tiếp. Có thể nộp hồ sơ qua bưu điện nếu cơ quan BHXH cho phép.
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến
Đây là hình thức đang dần được cơ quan BHXH áp dụng phổ biến do nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Lúc này, bạn kê khai báo giảm BHXH trên phần mềm đã được đăng ký, tải về từ trang điện tử của cơ quan BHXH. Sau khi kê khai xong thì dùng chữ ký số (token) để nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH. Cụ thể thực hiện như sau:
Một là, truy cập vào trang https://gddt.baohiemxahoi.gov.vn/ để đăng ký tài khoản giao dịch BHXH điện tử cho doanh nghiệp mình;
Hai là, sau khi đăng ký thành công, tải phần mềm về máy tính và tiến hành kê khai BHXH. Tiếp theo xuất file hồ sơ, dùng chữ ký số để ký rồi nộp lên cơ quan BHXH.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ, yêu cầu giảm lao động của doanh nghiệp sẽ được giải quyết.
Trường hợp doanh nghiệp báo giảm chậm, muộn thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH và điểm 10.3 Mục 10 Công văn 1734/BHXH-QLT như sau:
+ Doanh nghiệp phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.
+ Để không đóng bổ sung giá trị thẻ tháng sau thì doanh nghiệp có thể lập hồ sơ báo giảm tháng sau bắt đầu từ ngày 28 tháng trước, nhưng sau khi báo giảm thì không được báo phát sinh tháng trước.
Như vậy, bạn có thể căn cứ vào những giải đáp như trên để thực hiện việc thực hiện báo giảm lao động cho doanh nghiệp của mình.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về nghỉ sinh xong xin nghỉ việc luôn, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp không?