hieuluat
Chia sẻ email

Người lao động nghỉ Tết sớm có được hưởng lương không?

Nghỉ tết sớm có được hưởng lương không là một trong những vấn đề người lao động băn khoăn dịp Tết. Bởi nhiều người có nhu cầu nghỉ Tết sớm, nhất là những lao động xa quê.

Nghỉ Tết sớm có được hưởng lương không?

Câu hỏi: Tôi làm việc xa quê vì điều kiện kinh tế đã 3 năm không về quê ăn Tết nên năm nay tôi muốn về Tết sớm. Cho tôi hỏi nếu tôi nghỉ Tết sớm hơn quy định thì có được hưởng lương không?

Chào bạn, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc đồng thời hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ tết Dương lịch và Âm lịch năm 2023.

Cụ thể, người lao động sẽ hưởng lương như sau:

- Nghỉ tết Dương lịch 2023: 01 ngày.

- Nghỉ tết Âm lịch 2023: 05 ngày (không bao gồm ngày nghỉ cuối tuần)

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp cho người lao động nghỉ thêm và trả nguyên lương thì người lao động sẽ được hưởng thêm lương ngày đó nếu có sự thay đổi về số ngày nghỉ tết được hưởng lương

Bên cạnh đó, người lao động có thể thỏa thuận với doanh nghiệp để có thể sử dụng phép năm để kéo dài kì nghỉ tết, cụ thể là nghỉ tết sớm và vẫ được hưởng nguyên lương.

Số ngày nghỉ phép năm của người lao động được quy định cụ thể tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Thời gian nghỉ như sau:

- 12 ngày làm việc nếu người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc nếu người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- 16 ngày làm việc nếu người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Như vậy, nếu bạn nghỉ Tết sớm và còn ngày nghỉ phép năm thì bạn vẫn được hưởng nguyên lương. Nếu bạn nghỉ Tết sớm nhưng không còn ngày nghỉ phép năm thì bạn không được tính lương cho những ngày nghỉ đó.

Bạn cũng cần lưu ý, việc nghỉ gộp phép để nghỉ Tết sớm hay nghỉ sớm bằng hình thức nghỉ không lương đều phải thông qua ý kiến và sự đồng ý của người sử dụng lao động.

nghỉ tết sớm có được hưởng lương không tùy từng trường hợp
Tùy từng trường hợp mà người lao động nghỉ Tết sớm có được nghỉ sớm hay không?

Công ty cho nghỉ Tết dài hơn quy định, hưởng lương thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, công ty tôi cho nghỉ Tết dài ngày hơn so với quy định 3 ngày thì 3 ngày đó tôi có được trả lương không?

Theo quy định, dịp Tết âm lịch người lao động sẽ được nghỉ 05 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương, trường hợp công ty cho nghỉ nhiều hơn số ngày luật quy định thì cần thỏa thuận với người lao động về ngày nghỉ thêm này sẽ tính vào ngày nghỉ phép hay nghỉ không hưởng lương.

Nếu công ty cho người lao động nghỉ dài hơn so với ngày nghỉ tết theo luật quy định mà không có sự thỏa thuận nào với người lao động thì có thể xác định đây là trường hợp ngừng việc.

Khi đó, công ty có trách nhiệm trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều  99 Bộ luật lao động 2019:

Theo đó, trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động:

Người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận tuy nhiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế… thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

+ Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, trường hợp công ty bạn cho người lao động nghỉ thêm ngày tết nhưng lại không thỏa thuận với người lao động thì công ty sẽ phải trả đủ lương cho người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 99 Bộ luật lao động.

Thử việc nghỉ Tết có lương không?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, em mới vào làm công ty được 1,5 tháng thì nghỉ Tết. Cho em hỏi nếu đang trong thời gian thử việc mà nghỉ Tết thì em có được hưởng lương những ngày nghỉ không?

Thông tin trên đã giải đáp cho vướng mắc nghỉ việc sớm có được hưởng lương không? Qua lại vấn đề của bạn, Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019, thì thời gian thử việc là do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận.

Và pháp luật cũng có quy định giới hạn thời gian thử việc tối đa tùy vào từng loại hình công việc cụ thể như sau:

- Công việc của người quản lý doanh nghiệp: Không quá 180 ngày

- Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên: Không quá 60 ngày.

- Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: Không quá 30 ngày

Các công việc khác: Không quá 06 ngày làm việc.

Như vậy trừ trường hợp thử việc tối đa 06 ngày làm việc, các trường hợp còn lại đều áp dụng thời gian thử việc tính theo ngày bình thường có nghĩa là đã bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần, cũng đồng nghĩa với việc ngày nghỉ lễ được tính vào thời gian thử việc của người lao động.

Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ về mức tiền lương trong thời gian thử việc. Cụ thể, khoản tiền này là do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Theo đó, vào dịp nghỉ Tết, mặc dù bạn đang thử việc nhưng cũng được trả nguyên lương của ngày làm việc bình thường và bạn sẽ được nhận ít nhất 85% mức lương chính thức của công việc mà bạn đang làm.

Trên đây là thông tin giải đáp cho vướng mắc nghỉ Tết sớm có được hưởng lương không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X