Phụ cấp là các khoản mà người lao động được hưởng ngoài lương. Nhiều người thắc mắc, họ có được hưởng các phụ cấp khi nghỉ sinh con không?
Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp trách nhiệm không?
Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi đang là nhân viên văn phòng, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với một công ty thương mại. Thu nhập hàng tháng của tôi có bao gồm cả tiền phụ cấp trách nhiệm. Tôi băn khoăn rằng, trong những tháng nghỉ sinh (dự sinh của tôi vào tháng 8 năm nay) tôi có được hưởng phụ cấp trách nhiệm không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, HieuLuat đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Dựa trên quy định pháp luật, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Phụ cấp được hiểu là khoản tiền để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương chưa tính toán hoặc tính toán chưa đầy đủ. Phụ cấp là một trong những khoản cấu thành tiền lương của người lao động (Điều 90 Bộ luật Lao động 2019).
Phụ cấp trách nhiệm là một loại của phụ cấp, được áp dụng cho người lao động vừa thực hiện công việc chuyên môn, vừa đảm nhận các công việc mang tính trách nhiệm cao trong doanh nghiệp.
Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm:
1. Mức lương theo công việc hoặc chức danh.
2. Các khoản phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên, gồm:- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động như phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự....Do phụ cấp trách nhiệm công việc được dùng đóng BHXH bắt buộc, nên trong mức hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả có phụ cấp trách nhiệm công việc, nghĩa là nghỉ thai sản cũng được hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Lưu ý: Nếu người sử dụng lao động không đóng BHXH trên phụ cấp trách nhiệm là đã làm trái quy định của Luật BHXH.
Giáo viên nghỉ thai sản được hưởng phụ cấp gì?
Câu hỏi: Chào anh chị, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: tôi đang là viên chức giảng dạy cấp 2. Tôi đang có thai và dự sinh vào tháng 7 tới đây. Vậy khi nghỉ thai sản thì tôi được hưởng phụ cấp gì? Xin chân thành cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Các khoản phụ cấp được tính cho viên chức là giáo viên cấp 2 của một trường công lập, không mang chức danh lãnh đạo có thể gồm:
- Phụ cấp thâm niên: được căn cứ dựa trên thời gian công tác (Nghị định 77/2021/NĐ-CP);
- Phụ cấp cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy: theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC.
- Phụ cấp trách nhiệm theo công việc: (điểm d khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP) áp dụng cho giáo viên đang giảng dạy tại trường chuyên biệt hoặc được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông (hạng I hoặc III).
Ngoài ra, căn cứ Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐ-CP khi giáo viên là đối tượng đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nhận thêm các khoản phụ cấp:
- Phụ cấp thu hút;
- Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (phụ cấp công tác lâu năm);
- Phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Lưu ý: vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 76/2021/NĐ-CP gồm:
- Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
- Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;- Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là những phụ cấp mà một viên chức là giáo viên cấp 2 có thể được hưởng. Do bạn chưa cung cấp cho chúng tôi đầy đủ thông tin, nên từ quy định trên, bạn có thể đối chiếu với trường hợp của mình xem mình được hưởng những loại phụ cấp nào.
Pháp luật quy định về việc chi trả các phụ cấp trên khi bạn nghỉ sinh như sau:
Phụ cấp thâm niên:
Khoản 2, khoản 3 của Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.Điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên là:
2. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
...
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
...
Như vậy, từ căn cứ trên, phụ cấp thâm niên sẽ được chi trả cho giáo viên là viên chức trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với thời gian nghỉ thai sản vượt quá sẽ không được tính trả phụ cấp thâm niên.
Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy:
Căn cứ khoản 1 Mục 3 Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Mức hưởng phụ cấp này của giáo viên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục II của Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC như sau:
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC:
b) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:
...
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;
...
Từ căn cứ trên, bạn sẽ không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho khoảng thời gian nghỉ sinh vượt quá thời gian mà pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định. Còn trong thời gian nghỉ sinh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thì bạn vẫn nhận được khoản phụ cấp ưu đãi trực tiếp cho giáo viên giảng dạy này.
Phụ cấp trách nhiệm theo công việc:
Khoản 2 Mục III thông tư 05/2005/TT-BNV quy định việc chi trả phụ cấp trách nhiệm theo công việc được thực hiện như sau:
2. Cách chi trả phụ cấp:
Phụ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
Khi không làm công việc có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.
Theo đó, khi nghỉ sinh, bạn không đi làm, không hưởng lương do vậy không được chi trả tiền phụ cấp trách nhiệm theo công việc khi nghỉ sinh.
Phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp ưu đãi theo nghề...
Điều 4, Điều 5, Điều 11, khoản 1 Điều 13 của Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định căn cứ tính, chi trả các khoản phụ cấp trên là theo thời gian thực tế làm việc có đóng bảo hiểm xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thêm vào đó, khoản 3 Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định thời gian không tính hưởng các khoản phụ cấp trên là:
b) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
...
Căn cứ vào quy định trên, thời gian nghỉ sinh của giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được nhận phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Kết luận: từ các căn cứ trên, khi nghỉ sinh, giáo viên là viên chức được chi trả các khoản phụ cấp phụ cấp thâm niên, phụ cấp trực tiếp giảng dạy. Phụ cấp trách nhiệm theo công việc, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp ưu đãi theo nghề... sẽ không được chi trả trong thời gian nghỉ sinh.
Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp cấp ủy không?
Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi hiện là một Đảng viên, đang công tác tại Ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp xã (một xã thuộc thành phố Hà Nội). Tôi đang nghỉ hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội nhưng lại không được nhận phụ cấp cấp ủy. Việc tôi không được nhận phụ cấp cấp ủy có đúng quy định pháp luật không thưa Luật sư?
Chào bạn, HieuLuat đã tiếp nhận toàn bộ câu hỏi của bạn. Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ Quy định 169-QĐ/TW phụ cấp cấp ủy được hiểu là phụ cấp trách nhiệm được chi trả cho đảng viên được bầu cử hoặc chỉ định (theo quy định của Điều lệ Đảng) vào ban chấp hành đảng bộ, chi bộ các cấp từ Trung ương đến cấp cơ sở (đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở). Riêng đối với các cấp uỷ đảng trong lực lượng vũ trang có hướng dẫn riêng.
Bạn đang là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ cấp xã là một đối tượng được nhận phụ cấp trên. Phụ cấp này bạn sẽ nhận được cùng với kỳ lương hằng tháng của mình.
Điểm b khoản 3 Mục I của Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương quy định thời gian không được tính hưởng phụ cấp cấp ủy như sau:
b) Thời gian không được tính hưởng phụ cấp bao gồm :
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
…
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản - là một chế độ của bảo hiểm xã hội nên không được nhận tiền phụ cấp cấp ủy.
Lưu ý: đối với trường hợp nghỉ thai sản mà không đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì căn cứ tại điểm b khoản 3 Mục I của Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW nêu trên, Đảng viên cũng sẽ không được tính hưởng phụ cấp cấp ủy do thuộc trường hợp không hưởng lương liên tục từ 30 ngày trở lên.Do vậy, trong những tháng nghỉ thai sản của mình bạn không được chi trả tiền phụ cấp cấp ủy.
Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp công đoàn không?
Câu hỏi: Chào anh chị, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau: tôi là người lao động đang làm việc tại thành phố Hải Phòng cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài và cũng là phó chủ tịch công đoàn tại công ty. Hiện hàng tháng tôi đều được hưởng phụ cấp trách nhiệm cho vị trí đang đảm nhiệm, tôi đang mang thai ở tháng thứ 5 nên băn khoăn khi nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội thì tôi có được chi trả tiền phụ cấp này không?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với những băn khoăn của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau.
Trước hết, Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn 2012). Cơ cấu tổ chức của Công đoàn cơ sở gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Đoàn viên công đoàn.
Phụ cấp công đoàn là một khoản phụ cấp chi trả cho chủ tịch, phó chủ tịch Công đoàn cơ sở (Quyết định 3226/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Như vậy, là một phó chủ tịch công đoàn công ty bạn thuộc đối tượng được nhận chi trả phụ cấp này.
Nguyên tắc chi trả phụ cấp trách nhiệm cán bộ Công đoàn cơ sở được nêu tại Quyết định 3226/QĐ-TLĐ như sau:
3. Phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ công đoàn trong Quy định này không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Như vậy, trong thời gian nghỉ thai sản không được hưởng phụ cấp công đoàn.
Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp độc hại không?
Xin cảm ơn.
Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin câu hỏi của bạn. Dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Phụ cấp độc hại là một khoản phụ cấp chi trả cho viên chức (bao gồm cả viên chức đang trong thời gian thử việc) làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương (Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Thông tư 07/2005/TT-BNV).
Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định về việc chi trả phụ cấp này cho các đối tượng như trường hợp của bạn tại điểm a khoản 3 Mục II như sau:
3. Cách tính và nguồn kinh phí chi trả phụ cấp:
a) Cách tính trả phụ cấp:
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
...
Như vậy, pháp luật quy định việc chi trả phụ cấp độc hại được căn cứ dựa trên thời gian thực tế làm việc tại nơi có yếu tố độc hại. Vì trong thời gian nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản, bạn không làm việc trong môi trường độc hại nên sẽ không được nhận phụ cấp độc hại.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về nghỉ thai sản được hưởng phụ cấp gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Cách tính phụ cấp đứng lớp của giáo viên