Có nhiều lý do khiến người lao động nữ xin nghỉ việc sau khi sinh con nhỏ. Vậy nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp không?
Thời gian nghỉ thai sản có được coi là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Chào bạn, đối với thắc mắc về nghỉ thai sản có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không, chúng tôi xin đưa ra nhận định như sau:
Là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản bao gồm những điều khoản ghi nhận quyền lợi mà lao động nữ mang thai, sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng khi đã tham gia đủ thời gian bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ mà Nhà nước dành cho người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp khi họ chấm dứt hợp đồng, bị mất việc làm bằng cách hỗ trợ tài chính, giúp họ tìm việc, học nghề mới để họ sớm quay trở lại làm việc và ổn định cuộc sống.
Đồng thời theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì người đó không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, thời gian nghỉ thai sản của bạn sẽ không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian nghỉ thai sản không được coi là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp không?
Chào bạn, để trả lời câu hỏi nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không, ta cần xét đến hai điều kiện dưới đây:
Có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ sinh
Việc xác định xem mình có đang đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không sẽ là căn cứ để xem xét điều kiện hưởng trợ cấp.
Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP: người lao động sẽ được coi là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp tháng liền kề trước khi nghỉ việc đã đóng bảo hiểm. Điều khoản này cũng được áp dụng cho trường hợp người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng mà nghỉ việc do bị ốm hoặc nghỉ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng đó.
Giả sử, bạn làm việc tại công ty A từ năm 1/1/2021 - 31/12/2022 và xin nghỉ thai sản vào ngày 01/6/2022 xin nghỉ thai sản. Nếu trong tháng 5/2022 (tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản) bạn vẫn đóng bảo hiểm giống như những thời điểm trước đó thì được coi là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đủ thời gian tích lũy đóng bảo hiểm thất nghiệp
Để được xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp, một trong những điều kiện quan trọng nêu tại Điều 49 Luật Việc làm cần đáp ứng là đủ thời gian trích đóng bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể:
- Trường hợp người lao động ký hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn: Đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng;
- Nếu làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc công việc khác từ đủ 03 đến dưới 12 tháng, thời gian trích đóng bảo hiểm thất nghiệp phải từ đủ 12 tháng trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 45 của Luật này:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tức là, kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi nghỉ việc, người lao động tích lũy từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì sẽ được xét hưởng trợ cấp sau khi nghỉ việc.
Ví dụ: Trong khoảng thời gian từ 1/1/2021 - 31/12/2022, bạn đã đóng đủ bảo hiểm đến hết tháng 5/2022 trước khi nghỉ sinh vào tháng 6/2022. Khi bạn xin nghỉ việc từ ngày 01/01/2023, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 17 tháng, do vậy bạn đã đáp ứng điều kiện để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu bạn đã đáp ứng được hết các tiêu chí nêu trên thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi hết chế độ thai sản.
Nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp không?
Tôi có thể nhờ người khác làm bảo hiểm thất nghiệp được không?
Để tạo điều kiện cho những người lao động rơi vào trường hợp bất khả kháng như bạn được hưởng trợ cấp, pháp luật cho phép người lao động ủy quyền cho người khác thay mình nộp hồ sơ nhận trợ cấp.
Cụ thể, khoản 3 Điều 29 và khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP chỉ rõ, người lao động được nhờ người khác thực hiện thủ tục thay mình nếu:
- Người lao động bị ốm đau, đang trong thời gian thai sản (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền);
- Người lao động bị tai nạn;
- Người lao động gặp lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, dịch bệnh sóng thần, địch họa.
*Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định này, sau khi nghỉ việc, người lao động chỉ có tối đa 03 tháng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, cho nên bạn cần trao đổi với chồng nhanh chóng đi nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Lúc này, ngày nộp được tính là ngày chồng bạn (người được ủy quyền) trực tiếp đến nộp hồ sơ.
Trên đây là một số nội dung giải đáp xung quanh vấn đề nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp không. Nếu còn câu hỏi khác, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ và tư vấn thêm.