hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghỉ việc không lấy sổ bảo hiểm, tôi bị mất quyền lợi gì?

Do "quên" hoặc do ngại quay trở lại công ty cũ, nhiều người chọn cách không lấy sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) mà không biết mình đang đánh mất nhiều quyền lợi.

Mục lục bài viết
  • Không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
  • Không được hỗ trợ học nghề
  • Không thể làm thủ tục hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần
Câu hỏi: Tôi vừa nghỉ việc tại doanh nghiệp nhưng chưa lấy sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) vì mâu thuẫn với giám đốc nên chưa được chốt sổ. Tôi muốn hỏi, nếu tôi không lấy sổ BHXH khi nghỉ việc, tôi gặp bất lợi gì hay bị mất quyền lợi gì không?

Chào bạn. Việc cá nhân bạn do có mâu thuẫn với sếp nên không lấy sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) khi nghỉ việc sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi gồm:

Không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, bao gồm:

- Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.

- Đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ cần chuẩn bị đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất ngiệp; bản chính/bản sao có chứng thực/bản sao kèm bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; bản chính sổ BHXH.

Như vậy, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn cần tiến hành chốt sổ BHXH và cung cấp sổ BHXH cho trung tâm dịch vụ việc làm để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nếu không có sổ BHXH, dù người lao động đủ các điều kiện khác thì cũng sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp do hồ sơ không hợp lệ.

Tuy nhiên, nếu chưa chốt sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn cũng không cần quá lo lắng bởi số tiền trợ cấp thất nghiệp này sẽ không mất đi mà thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu và cộng dồn cho lần hưởng tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện.

nghi viec khong lay so bao hiem

Không được hỗ trợ học nghề

Nếu bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sau khi nghỉ việc, bạn có thể được hỗ trợ học nghề.

Bởi theo Điều 55 Luật Việc làm, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng có thể làm hồ sơ để nhận khoản hỗ trợ này.

Theo Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ hưởng hỗ trợ học nghề bao gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề nếu đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Trường hợp đủ điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu; bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng…; Sổ BHXH.

Như vậy, để hưởng hỗ trợ học nghề, người lao động cũng phải chuẩn bị sổ BHXH hoặc đang thuộc trường hợp đang chờ giải quyết hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (người lao động đã phải nộp sổ BHXH cho trung tâm dịch vụ việc làm).

Vì vậy, nếu nghỉ việc mà không lấy sổ BHXH, người lao động cũng sẽ không được nhận hỗ trợ học nghề và mất trắng khoản tiền này chứ không được cộng dồn để hưởng sau như trợ cấp thất nghiệp.

Không thể làm thủ tục hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, trừ các trường hợp đặc biệt như bị bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài... sau một năm kể từ khi nghỉ việc, người lao động sẽ được lấy BHXH một lần.

Hồ sơ đề nghị nhận BHXH 1 lần gồm các giấy tờ sau:

- Bản chính sổ BHXH.

- Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB).

Như vậy, sổ BHXH cũng là thành phần không thể thiếu trong hồ sơ nhận tiền BHXH một lần. Ngoài ra, nếu không chốt sổ BHXH, bạn cũng bị mất quyền lợi nhận BHXH 1 lần của thời gian chưa được chốt.

Vì vậy, nếu muốn nhận tiền BHXH một lần, bạn phải trở lại công ty cũ để yêu cầu chốt sổ và lấy sổ BHXH.

Tuy nhiên, cũng như trợ cấp thất nghiệp, nếu chưa rút BHXH một lần ngay, người lao động không bị mất đi quyền lợi mà có thể đợi đến khi có đủ hồ sơ để thực hiện rút một lần.

Trên đây là giải đáp nghỉ việc không lấy sổ bảo hiểm, bị mất quyền lợi gì? Có thể thấy, sổ BHXH là căn cứ quan trọng để giải quyết các chế độ cho người lao động nhưng nhiều người lao động lại khá thờ ơ với cuốn sổ này nên sau khi nghỉ việc "quên" lấy hoặc không lấy sổ BHXH.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp làm khó, không chốt sổ hoặc trả sổ BHXH cho người lao động. Trường hợp này, bạn cần tham khảo cách lấy sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ sau khi nghỉ việc
Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Công ty cũ chưa chốt sổ, có được đóng tiếp BHXH chỗ mới?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X