Không ít trường hợp người lao động nghỉ việc trong thời gian thử việc vì một nguyên do nào đó như môi trường không phù hợp, công việc quá áp lực…Và thắc mắc chung của các nhân viên đang trong thời gian thử việc là liệu có cần viết đơn xin nghỉ hay không?
Chào bạn, liên quan đến các nội dung trong câu hỏi của bạn, HieuLuat xin được thông tin như sau:
Các nội dung hợp đồng thử việc là gì?
Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thử việc như sau:
- Người sử dụng lao động và người lao động có thể:
+ Thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động
+ Hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Lưu ý là khhông áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Và nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm quy định về thời gian thử việc và các nội dung như dưới đây:
+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động; họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
+ Công việc, địa điểm làm việc
+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
+ Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi
+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần viết đơn?
Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau:
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
- Nếu thử việc đạt yêu cầu: người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
- Nếu thử việc không đạt yêu cầu: chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Đặc biệt, trong thời gian thử việc, mỗi bên đều có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Có thể thấy, Bộ luật Lao động hiện hành không có quy định nào về việc viết đơn xin nghỉ việc nói chung, cũng như viết đơn xin nghỉ việc trong thời gian thử việc nói riêng. Tuy nhiên, một số đơn vị sử dụng lao động lại quy định cụ thể về vấn đề này. Việc viết đơn xin nghỉ việc cũng là căn cứ để giải quyết quyền lợi với người lao động, hạn chế các tranh chấp xảy ra (nếu có). Bên cạnh đó, việc viết đơn xin nghỉ việc còn thể hiện sự tôn trọng của người lao động với công ty thử việc, thể hiện trách nhiệm với công việc.
Do đó, để chấm dứt quá trình thử việc rõ ràng, người lao động nên viết đơn xin nghỉ gửi cho công ty nơi đang thử việc.
>> Xem thêm: Mẫu đơn xin nghỉ việc trong thời gian thử việc
Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương?
Theo Điều 26 Bộ luật lao động, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc là do hai bên thoả thuận tuy nhiên ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Nguyên tắc trả lương được quy định theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật này. Theo đó, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Cũng theo quy định tại Bộ luật Lao động, mỗi bên đều có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường trong thời gian thử việc.
Do đó, việc người lao động nghỉ trước hạn trong thời gian thử việc là thực hiện quyền của người lao động chứ không xem đó là hành vi vi phạm, nên việc người lao động không được trả lương khi nghỉ việc trong thời gian thử việc là sai quy định của pháp luật.
Trên đây là giải đáp cho vấn đề nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần viết đơn. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.