Người lao động nhận những khoản tiền nào cuối năm ngoài thưởng Tết là thông tin nhận được nhiều quan tâm ở thời điểm Tết gần kề.
Chào bạn, HieuLuat xin thông tin về vướng mắc của bạn như sau. Khoản đầu tiên, người lao động nhận được là tiền thưởng Tết.
Tiền thưởng Tết
Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo quy định trên có thể thấy, pháp luật không quy định hay bắt buộc việc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động.
Tuy nhiên, thưởng Tết lại là động lực để giữ chân, tri ân người lao động đã gắn bó, mang lại hiệu quả kinh doanh cho công ty.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có mức tiền thưởng khác nhau, và mức này cũng có sự khác nhau giữa những người lao động với nhau. Mức thưởng bao nhiêu phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh cũng như mức độ hoàn thành, hiệu quả công việc của người lao động.
Doanh nghiệp sẽ có hình thức thưởng Tết như tiền mặt, tài sản, hiện vật hoặc hình thức khác.
>>> Xem chi tiết: Thưởng Tết có phải đóng thuế TNCN?
Theo quy định, tiền thưởng Tết là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải đóng thuế khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế.
Người lao động nhận những khoản tiền nào cuối năm ngoài thưởng Tết?
Tiền lương tháng 13
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về lương tháng 13 cho người lao động. Nhưng thực tế, có nhiều doanh nghiệp chi tháng lương này cho người lao động vào dịp cuối năm.
Đối với nhiều doanh nghiệp, lương tháng 13 tách biệt với thưởng Tết, tuy nhiên với nhiều công ty lương tháng 13 lại là khoản được xem là thưởng Tết. Có hay không tháng lương 13 còn phụ thuộc vào quy định của từng công ty.
Doanh nghiệp chỉ phải chi trả lương tháng 13 nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động trước đó với người lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Thông thường, lương tháng 13 được được xác định theo 02 cách:
- Theo mức bình quân tiền lương trong năm;
- Theo mức lương tháng 12 của người lao động.
Giống với thưởng Tết, lương tháng 13 là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân tuy nhiên người lao động chỉ phải đóng thuế khi trừ các khoản giảm trừ mà thu nhập vẫn đạt đến mức phải nộp thuế.
Tiền làm thêm giờ ngày Tết
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 5 ngày Tết Âm lịch.
Tuy nhiên, do đặc thù của một số công ty, doanh nghiệp, nhiều người lao động phải làm thêm, trực ngày Tết để đảm bảo tình hình kinh doanh.
Theo đó, người lao động đi làm ngày Tết sẽ được tính làm thêm giờ và hưởng tiền lương làm thêm giờ.
Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động nêu rõ về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
…
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Do đó, người lao động đi làm thêm ngày Tết sẽ được hưởng 400% lương của ngày làm việc bình thường.
Nếu người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài việc trả lương theo quy định thì còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Tiền hỗ trợ từ công đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dành nguồn lực thăm hỏi công nhân tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với số lượng khoảng trên 19.000 phần quà.
Mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 300.000 đồng bằng lương thực, cũng như các sản phẩm thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn còn dành một nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng để chăm lo cho hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà là 500.000 đồng.
Bên cạnh đó tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán.
Đối tượng được nhận hỗ trợ bao gồm đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bản thân hoặc người thân (vợ/chồng con) bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, bị hoãn hợp đồng lao động…
Tại TP. HCM, thành phố cũng hỗ trợ 700.000 đồng tiền mặt và suất quà trị giá 300.000 đồng cho người lao động.
Trên đây là thông tin về vấn đề người lao động nhận những khoản tiền nào cuối năm. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.