hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 02/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người bị án treo có được xuất cảnh không?

Án treo được quy định là một hình thức miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Vậy người bị án treo có bị hạn chế các quyền lợi của công dân hay không? Người bị án treo có được xuất cảnh không?

Mục lục bài viết
  • Người bị án treo có được xuất cảnh không?
  • Thời gian thử thách án treo tính thế nào?
  • Giải đáp liên quan đến quyền lợi của người thi thành án treo
  • Người bị án treo có được đi máy bay không?
  • Người bị án treo có được học đại học không?

Người bị án treo có được xuất cảnh không?

Người bị án treo có được xuất cảnh không?

Người bị án treo có được xuất cảnh không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì án treo không phải là một hình phạt đối với người bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà án treo chính là một biện pháp để miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện đối với những người phạm tội đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Theo quy định trên, có thể thấy, người được hưởng án treo sẽ không phải chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam,... mà vẫn được tiếp tục sinh hoạt hoà nhập với xã hội. 

Tuy nhiên, để bảo đảm việc răn đe đối với người được hưởng án treo thì ngoài thời gian chấp hành án tương ứng với hình phạt và tội danh của người đó thì người bị kết án treo còn phải chấp hành thêm thời gian thử thách theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. 

Vậy người bị kết án treo có được xuất cảnh đi nước ngoài hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì công dân Việt Nam đang được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. 

Theo đó, thì người phạm tội được toà án tuyên hưởng án treo thì sẽ không được phép xuất cảnh trong thời gian thử thách. 

Sau khi chấp hành xong thời gian thử thách, được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền xác nhận về việc không phát sinh vi phạm trong thời gian thử thách thì người đó sẽ được xuất cảnh, được thực hiện mọi quyền của công dân theo quy định. 

Mặc dù người được hưởng án treo không phải cách ly khỏi đời sống xã hội bình thường nhưng vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ của địa phương và các cơ quan có thẩm quyền. 

Do đó, quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh- hạn chế quyền công dân đối với người hưởng án treo là để bảo đảm việc răn đe và ngăn chặn hành vi tẩu thoát, tiếp tục phạm tội của người đó. 

Thời gian thử thách án treo tính thế nào?

Thời gian thử thách án treo tính thế nào?Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người được hưởng án treo, không cần phải chấp hành án phạt tù thì sẽ phải thực hiện thêm thời gian thử thách do Toà án ấn định trong khoản từ 01 năm đến 05 năm và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong thời gian thử thách đó.

 Theo quy định này thì thời gian thử thách là một khoảng thời gian bắt buộc thực hiện đối với người được kết án treo. 

Vậy thời gian thử thách đối với người bị kết án treo được tính như thế nào? Khi nào thời gian thử thách là 01 năm và khi nào là 05 năm? Toà án quy định về thời gian thử thách đối với người hưởng án treo theo nguyên tắc nào?

Toà án tuyên án và ấn định thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo theo nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP.

Theo quy định này thì Toà án sẽ ấn định mức thời gian thử thách đối với người hưởng án treo sẽ bằng 02 lần mức hình phạt tù tương ứng với tội danh của người đó. Tuy nhiên, thời gian thử thách không được dưới 01 năm và không được vượt quá 05 năm. 

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP của Toà án nhân dân tối cao sửa đổi Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP nêu trên thì đã hướng dẫn bổ sung về việc ấn định thời gian thử thách của Toà án cho người được hưởng án treo. 

Theo đó, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP quy định người được Toà án cho hưởng án treo nhưng trước đó đã bị tam giữ/ tạm giam để điều tra hình sự sẽ không được trừ khoảng thời gian đã bị tạm giữ/ tạm giam đó vào thời gian thử thách. 

Tuy nhiên, khi người được kết án treo phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách mà buộc phải chấp hành án phạt tù thì thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam sẽ được Toà án trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này trong trong bản án mới hoặc bản án đã tuyên cho hưởng án treo.

Như vậy, khi tuyên cho một người phạm tội được hưởng án treo thì Toà án sẽ căn cứ vào quy định của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP đã nêu trên để ấn định về thời gian thử thách tương ứng cho người đó.

Giải đáp liên quan đến quyền lợi của người thi thành án treo

Giải đáp liên quan đến quyền lợi của người thi hành án treoGiải đáp liên quan đến quyền lợi của người thi hành án treo

Trên thực tế, khi công dân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì thường mong muốn được hưởng án treo thay vì phải chấp hành án phạt tù. 

Mong muốn này xuất phát tù nhu cầu được tự do, được tiếp tục hoà nhập với đời sống xã hội và được thực hiện quyền công dân của mỗi người. 

Do đó mà hiện nay có rất nhiều người có thắc mắc liên quan đến quyền lợi của người thi hành án treo. 

Dưới đây là những giải đáp của Hieuluat.vn về quyền lợi của người chấp hành án treo theo quy định hiện hành:

Người bị án treo có được đi máy bay không?

Máy bay hiện nay đã trở thành phương tiện di chuyên phổ biến của người dân Việt Nam trong những chuyến đi xa. Do đó, việc đi máy bay của người bị kết án treo có thể phân chia thành các trường hợp như: đi máy bay để di chuyển trong nước và di chuyển ra nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì người được Toà án cho hưởng án treo đang trong thời gian thử thách thì sẽ không được xuất cảnh.

 Do đó, nếu người được hưởng án treo sử dụng máy bay hoặc bất kỳ phương tiện nào để xuất cảnh ra nước ngoài thì đều không được phép.

 Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không quy định về việc hạn chế việc di chuyển bằng máy bay để đi trong nước đối với người chấp hành án treo. 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Thi hành án hình sự hiện hành thì người được hưởng án treo nếu đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng theo quy định của Luật Cư trú hiện hành. 

Do đó, người bị kết án treo vẫn được đi máy bay trong nước và phải báo cáo với địa phương nơi giám sát việc chấp hành án treo của người đó để được quản lý chặt chẽ.

Người bị án treo có được học đại học không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT thì sinh viên vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây nên ảnh hưởng xấu cho cả nhà trường và xã hội, bao gồm cả trường hợp bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì sẽ bị nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi học. 

Do đó, người bị kết án treo đang là sinh viên đại học thì sẽ không được tiếp tục học đại học theo quy định chung của Bộ Giáo dục và đào tạo hiện nay.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 Quy chế này cũng quy định về việc cấm dự thi đại học đối với người đang phải chấp hành án treo theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Như vậy, dù người chấp hành án treo đang là sinh viên đại học hay là người chuẩn bị thi đại học sẽ không được phép học đại học. 

Trên đây là quy định về quyền lợi của người được hưởng án treo hiện nay mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X