hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 02/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người chưa thành niên là bao nhiêu tuổi? Phạm tội bị xử lý hình sự ra sao?

Có thể thấy, tình trạng tội phạm hiện nay đang có dấu hiệu trẻ hóa, tội phạm là những người chưa thành niên. Nhiều trường hợp thủ phạm trong các vụ án thương tâm thậm chí còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy, người chưa thành niên là bao nhiêu tuổi? Nguyên tắc xử lý hình sự với đối tượng này thế nào?

Mục lục bài viết
  • Người chưa thành niên là người bao nhiêu tuổi?
  • Có được áp dụng tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội không?
  • Người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích có bị đi tù?

Người chưa thành niên là người bao nhiêu tuổi?

Câu hỏi: Xin hỏi, theo quy định pháp luật hình sự thì người chưa thành niên phạm tội là người bao nhiêu tuổi? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tôi cảm ơn!

Liên quan đến quy định về độ tuổi của người chưa thành niên, tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Nói cách khác, những người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên. Theo đó, trường hợp người chưa thành niên phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn tùy thuộc vào độ tuổi cụ thể và tính chất của tội phạm.

Cụ thể, tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.

Như vậy, người chưa thành niên (từ 16 tuổi – dưới 18 tuổi) phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Trong khi đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của các tội trên.

Người chưa thành niên là bao nhiêu tuổi? (Ảnh minh họa)


Có được áp dụng tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội không?

Câu hỏi: Xin hỏi, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, việc xử lý hình sự với người chưa thành niên phạm tội bị xử lý thế nào? Có được áp dụng tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội không?

Nguyên tắc áp dụng hình phạt với người chưa thành niên được quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

- Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

- Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội căn cứ vào độ tuổi và khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm.

- Người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự;

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự;

+ Người dưới 18 tuổi là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào nhân thân người phạm tội, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

- Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt với người dưới 18 tuổi nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát hoặc giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

- Không phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi.

- Tòa án chỉ áp dụng phạt tù có thời hạn với người dưới 18 tuổi khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

- Khi phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

- Không áp dụng hình phạt bổ sung với người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, nguyên tắc Bộ luật Hình sự 2015 đặt ra không được áp dụng tù chung thân, tử hình với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn với người chưa thành niên phạm tội.


Người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích có bị đi tù?

Câu hỏi: Con tôi 17 tuổi hôm vừa rồi có đánh một nhà hàng (19 tuổi) gây thương tích 12%. Gia đình tôi đã bồi thường toàn bộ viện phí cũng như các chi phí cần thiết khác cho nạn nhân.
Con tôi cũng đã đến xin lỗi, chăm sóc cậu này trong thời gian nằm viện và cậu thanh niên kia cũng đã có ý định sẽ không tố cáo hành vi của con tôi nữa. Tuy nhiên gia đình cậu này thì không đồng như vậy. Xin hỏi nếu vậy thì con tôi có bị đi tù không?

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Như đã trình bày ở phần trên, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự nêu rõ, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự thì Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa căn cứ vào quy định của pháp luật, sẽ cho người dưới 18 tuổi được hưởng mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, con chị đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và hành vi của con chị có thể bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của bị hại.

Trên đây là các thông tin giải đáp về Người chưa thành niên là bao nhiêu tuổi. Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Trộm tài sản, bao nhiêu tuổi bị truy cứu trách nhiệm?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X