hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 17/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai?

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai? Bố mẹ muốn tặng cho con chưa thành niên nhà đất thì có được không, thủ tục như thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai?
  • Thủ tục tặng cho con chưa thành niên nhà đất thế nào?
  • Cam kết việc đại diện vì lợi ích của con chưa thành niên như thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, chúng tôi có dự định tặng cho con gái và con trai của mình thửa đất cùng ngôi nhà trên đất ở quận X, thành phố Y.

Sở dĩ có dự định như vậy là bởi vì để các cháu khi lên cấp 3 sẽ có nơi ở ngay gần trường học.

2 con của tôi năm nay 11 và 12 tuổi.

Tuy nhiên, khi ra văn phòng công chứng thì chúng tôi không làm được thủ tục này vì bạn thư ký có nói với chúng tôi là vợ chồng tôi là đại diện cho con, nên không thể tự mình tặng cho con được.

Do chúng tôi chưa có nhiều hiểu biết với những kiến thức về mua bán nhà đất nên mong được Luật sư giải đáp.

Chân thành cảm ơn.

Chào bạn, vướng mắc của bạn về vấn đề người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai, tặng cho con chưa thành niên nhà đất như thế nào được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai?

Trước hết, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi (khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015).

Điều đó cũng có nghĩa rằng, 2 con của bạn có độ tuổi 11, 12 tuổi là những người chưa thành niên.

Đối với người chưa thành niên, pháp luật quy định có một số hạn chế khi tham gia các giao dịch dân sự cũng như thực hiện các quyền của mình.

Theo đó, pháp luật quy định giám hộ hoặc đại diện pháp luật là hai chế định được sử dụng để bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ/định đoạt việc tham gia các giao dịch dân sự.

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là cha, mẹ của họ và là người giám hộ đối với người được giám hộ (Điều 136 Bộ luật Dân sự).

Trong đó, người được giám hộ theo Điều 47 gồm:

  • Người chưa thành niên mà không còn cha mẹ/hoặc không thể xác định được cha mẹ của họ;

  • Hoặc người chưa thành niên có cha mẹ thuộc một trong những trường hợp sau đây:

    • Cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự;

    • Cha mẹ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

    • Cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

    • Cha mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con;

    • Cha mẹ đều có không có điều kiện, khả năng chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu có người giám hộ cho con;

  • Hoặc là người mất năng lực hành vi dân sự;

  • Hoặc là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

Từ các phân tích nêu trên, căn cứ trường hợp của bạn, vợ chồng bạn là đại diện theo pháp luật cho các con chưa thành niên của mình.

Việc thực hiện tặng nhà cho nhà đất giữa vợ chồng bạn cho các con được chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Như vậy, căn cứ Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, chúng tôi giải đáp cho bạn vướng mắc về người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai như sau:

  • Đối với người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1 Điều 136: Người đại diện theo pháp luật là cha mẹ của họ;

  • Đối với người được giám hộ theo khoản 2 Điều 136: Người đại diện theo pháp luật là người giám hộ;

Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai?Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai?

Thủ tục tặng cho con chưa thành niên nhà đất thế nào?

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự quy định, người đại diện là người nhân danh và vì lợi ích của cá nhân được đại điện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Mặt khác, căn cứ khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự, khi thực hiện các giao dịch dân sự, người đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 cũng không cho phép người đại diện nhân danh người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch với chính mình:
....

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

...

Đồng thời, Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha mẹ phải thỏa thuận với nhau khi thực hiện các giao dịch về bất động sản của con.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, trong giao dịch tặng cho con nhà đất, vợ chồng bạn vừa là bên tặng cho, vừa là bên nhận tặng cho, thay cho con quyết định, ký kết hợp đồng tặng cho.

Như vậy, không thể đáp ứng bản chất của hợp đồng - là sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch về quyền, nghĩa vụ và các vấn đề khác liên quan đến tài sản chuyển quyền sở hữu và vi phạm điều pháp luật cấm tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự.

Nói cách khác, không thể thực hiện tặng cho các con của bạn nhà đất khi vợ chồng bạn vừa là bên tặng cho, vừa là bên nhận tặng cho do là đại diện của các con.

Mặt khác, pháp luật về đất đai, nhà ở chưa có quy định về độ tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hay, chưa có quy định về việc nếu có thể tiến hành tặng cho được nhà đất (ví dụ qua bản án của tòa…) thì bên nhận tặng cho phải đạt độ tuổi bao nhiêu để được đứng tên trên giấy chứng nhận.

Để thực hiện được việc tặng cho này, bạn có thể tiến hành:

  • Lập văn bản cam kết tặng cho có công chứng hoặc chứng thực: Trong đó, nội dung ghi nhận khi các con thành niên thì vợ chồng bạn sẽ tiến hành lập hợp đồng tặng cho, sang tên theo quy định pháp luật cho con;

  • Hoặc đợi đến khi các con của bạn thành niên thì vợ chồng bạn tặng cho con nhà đất, hiện tại, khi các con vào cấp 3 mà chưa đủ 18 tuổi thì vợ chồng bạn có quyền cho các con ở trong căn nhà dự định tặng cho mà không ai có quyền ngăn cản;

  • Đề nghị tòa án công nhận việc tặng cho nhà đất cho con: Tuy nhiên, như chúng tôi trình bày, phương án này sẽ gặp khó khăn là pháp luật hiện hành chưa quy định về độ tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận;

Kết luận: Chúng tôi đã giải đáp người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai, theo quy định, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên hoặc người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ.

Đối với giao dịch tặng cho bất động sản, người đại diện theo pháp luật không thể thực hiện được giao dịch tặng cho tài sản của mình cho người được mình đại diện.

Cam kết thực hiện giao dịch vì lợi ích của con chưa thành niên phải được lập thành văn bảnCam kết thực hiện giao dịch vì lợi ích của con chưa thành niên phải được lập thành văn bản 

Cam kết việc đại diện vì lợi ích của con chưa thành niên như thế nào?

Như đã trình bày, tại Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định, đối với các giao dịch là bất động sản của con chưa thành niên, pháp luật dân sự buộc phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Đây cũng chính là sự cam kết của cha mẹ khi thực hiện các giao dịch dân sự đều nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho con chưa thành niên.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự chưa quy định về hình thức thể hiện sự đồng ý này của người đại diện theo pháp luật đối với giao dịch của người được đại diện.

Thực tế, các giao dịch dân sự mà đối tượng là bất động sản thì buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

Nói cách khác, người đại diện theo pháp luật có một trong hai cách sau để thể hiện sự đồng ý của mình đối với giao dịch của người được đại diện:

  • Ghi trực tiếp ý kiến của mình trong hợp đồng về bất động sản hoặc là bên chuyển quyền/nhận chuyển quyền nếu người được đại diện là con chưa đủ 6 tuổi/hoặc là người được giám hộ chưa đủ 18 tuổi;

  • Lập thành văn bản riêng nếu giao dịch dân sự về bất động sản cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (khoản 2, 3 Điều 21) mà không cần là đại diện cho người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch;

Như vậy, người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên hoặc của người được giám hộ phải đồng ý bằng văn bản hoặc đại diện cho người được giám hộ khi xác lập, giao kết, thực hiện giao dịch dân sự có đối tượng của hợp đồng là bất động sản.

Hay, chúng tôi đã giải đáp toàn bộ những vướng mắc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai, tặng cho đất nhà với bên nhận là con chưa thành niên được không như ở trên.

Do chưa được tiếp cận với hồ sơ vụ việc thực tế, nên dựa trên những phân tích của chúng tôi ở trên, bạn lựa chọn đáp án phù hợp cho mình.

Trên đây là giải đáp về vấn đề Người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên là ai? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X