hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 11/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người đi tù bị hạn chế quyền gì? Có đăng ký kết hôn được không?

Đi tù là một trong những hình phạt trong pháp luật hình sự. Người phải ngồi tù là người có tội và bị tuyên án cách ly khỏi cuộc sống bình thường của xã hội.

Đi tù bị hạn chế những quyền gì?

Câu hỏi: Tôi vừa bị kết án 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Trong thời gian ở tù, tôi bị hạn chế những quyền gì?
Chào bạn. Đi tù là hình phạt dành cho những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì thế, đi tù sẽ bị hạn chế một số quyền lợi nhất định.

Theo Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015, công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

- Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Ngoài ra, người đi tù bị hạn chế nhiều quyền lợi khác như:

Hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú​

Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Tuy nhiên, khi bị phạt tù, người phải chấp hành án phạt này đương nhiên bị hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú.

Không được thành lập, quản lý doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, người bị phạt tù bị hạn chế nhiều quyền trong thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể:-

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù... không được thành lập doanh nghiệp (Điều 17);

- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình;

- Trường hợp thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty (Điều 53);

- Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách nếu đang chấp hành án phạt tù (Điều 185)...

Bị hạn chế quyền lao động

Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Bị tước quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân

Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định, những người sau đây không được quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân:

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

Như vậy, đang ngồi tù bị hạn chế quyền này.

Không được thi công chức, có thể bị "đuổi" khỏi công chức

Khoản 2 Điều 36 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích thì không được đăng ký dự tuyển công chức.

Như vậy người bị kết án mà chưa hết thời gian được xóa án tích thì không được thi tuyển công chức.

Ngoài ra, Luật cán bộ, công chức và viên chức sửa đổi 2019 cũng quy định, tùy theo hành vi mà người bị kết án tù còn có thể bị xử lý kỷ luật theo những hình thức khác như thôi việc, thôi giữ chức vụ, đình chỉ công tác, …

nguoi di tu bi han che quyen gi
Người đi tù bị hạn chế nhiều quyền công dân (Ảnh minh họa)

Đi tù có được đăng ký kết hôn không?

Câu hỏi: Em bị một đám thanh niên bắt nạt khi đang đi cùng bạn trai nên có xảy ra xô xát và người kia chết. Tòa án cho rằng bạn em đã giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và xử phạt tù 03 năm. Em muốn đăng ký kết hôn với bạn trai có được không?

Hiện nay, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ quy định các hành vi liên quan đến đăng ký kết hôn sau đây bị cấm:

- Kết hôn giả tạo;

- Cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn;

- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác;

- Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ với con nuôi; đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Yêu sách của cải trong kết hôn.

Ngoài ra, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.

Như vậy, nếu đủ điều kiện kết hôn thì pháp luật không cấm bạn kết hôn với người đang chấp hành án phạt tù.

Tuy nhiên, bạn sẽ bị "vướng" ở thủ tục đăng ký kết hôn. Hiện nay, thủ tục đăng ký kết hôn có thể thực hiện online, nhưng Thông tư 04/2020/TT-BTP yêu cầu khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt. Trong khi đó, người đang chấp hành án phạt tù lại không thể được ra ngoài nếu chỉ để đăng ký kết hôn.

Trên đây là giải đáp người đi tù bị hạn chế quyền gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đi tù có được hưởng lương hưu không? Thủ tục hưởng thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X