Người dưới 16 tuổi vi phạm giao thông có bị xử phạt không, nếu có thì hình thức xử phạt như thế nào? Cùng theo dõi những thông tin trong bài viết dưới dây để hiểu hơn về vấn đề này.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat, vấn đề của bạn chúng tôi xin thông tin như sau:
Người dưới 16 tuổi vi phạm giao thông có bị xử phạt?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định về các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều này, một trong những đối tượng đó là:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
…
Như vậy, có thể thấy người dưới 16 tuổi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. Do đó, nếu con bạn cố ý vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông thì có thể bị xử lý hành chính.
Người dưới 16 tuổi vi phạm giao thông có bị phạt tiền?
Theo Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 68 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 thì việc xử lý đối với người chưa thành niên ngoài nguyên tắc chung tại Điều 3 Luật này còn áp dụng các nguyên tắc sau đây:
- Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;
- Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;
- Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền…
Như vậy, việc xử lý vi phạm hành chính với đối tượng dưới 16 tuổi phải tuân theo các nguyên tắc nêu trên.
Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Bên cạnh đó, tại Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021 của Chính phủ cũng quy định hình phạt đố với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô là cảnh cáo.
Như vậy, không áp dụng hình thức phạt tiền đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Cho người chưa đủ 16 tuổi mượn xe có bị phạt không?
Căn cứ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019 của Chính phủ thì hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 để điều khiển xe tham gia giao thông có thể chịu các mức phạt:
- Đố với cá nhân là chủ phương tiện: Phạt tiền từ 800.000 đồng – 2 triệu đồng
- Đối với tổ chức là chủ phương tiện: Phạt tiền từ 1,6 triệu đồng – 4 triệu đồng.
Có thể thấy, chủ xe cũng có thể bị xử phạt nếu giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu người điều khiển phương tiện gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi vi phạm.
Trên đây là quy định về vấn đề người dưới 16 tuổi vi phạm giao thông có bị xử phạt?. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.