Thực tế, nhiều người giám hộ không biết chữ, đặc biệt là nhiều trường hợp người giám hộ là giám hộ đương nhiên. Vậy việc người giám hộ không biết chữ có vi phạm pháp luật không? Có đủ điều kiện để trở thành người giám hộ không? Nếu người giám hộ không biết chữ thì việc tham gia vào các giao dịch dân sự như mua bán nhà đất như thế nào? … Tất cả những vấn đề vướng mắc liên quan đến vấn đề người giám hộ không biết chữ đang được nhiều người quan tâm hiện nay trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi muốn Luật sư giải đáp cho tôi về vấn đề người giám hộ không biết chữ thì có được không? Có phải thay đổi giám hộ nếu người này không biết chữ không? Nếu như trong giao dịch mua bán đất đai của người được giám hộ mà người giám hộ không biết chữ thì phải làm thế nào?
Chào bạn, xoay quanh vấn đề người giám hộ không biết chữ có là điều kiện để phải thay đổi người giám hộ không mà bạn đang vướng mắc, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Người giám hộ không biết chữ có được không?
- Trước hết, Bộ luật Dân sự 2015 quy định có 3 hình thức giám hộ là giám hộ đương nhiên, giám hộ cử, giám hộ chỉ định. Trong đó, giám hộ đương nhiên là giám hộ được quyền ưu tiên thực hiện khi xuất hiện người được giám hộ theo quy định pháp luật.
Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những đối tượng là giám hộ đương nhiên của người được giám hộ là người chưa thành niên như sau:
Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
=> Từ quy định trên, suy ra, pháp luật không cấm người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên là người không biết chữ. Nói cách khác, người không biết chữ thuộc một trong những trường hợp nêu trên, khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật Dân sự 2015 (điều kiện để cá nhân là người giám hộ) thì vẫn được pháp luật công nhận là người giám hộ đương nhiên.
Tương tự như vậy, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự cũng có thể là người không biết chữ theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
- Ngoài ra, Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các điều kiện để cá nhân trở thành người giám hộ gồm có:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Từ căn cứ đã nêu, có thể nhận thấy, năng lực hành vi dân sự đầy đủ là khả năng, năng lực của từng cá nhân thông qua hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ dân sự. Cá nhân là người không biết chữ nhưng có nhận thức đầy đủ, có khả năng tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự thì vẫn thỏa mãn điều kiện trở thành người giám hộ theo quy định pháp luật (Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015).
Bên cạnh điều kiện về có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì cá nhân cần phải đảm bảo các điều kiện về đạo đức, không là người vi phạm pháp luật như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm tính mạng,... như luật định.
Như vậy, cá nhân không biết chữ vẫn có thể trở thành người giám hộ nếu thỏa mãn được các điều kiện để trở thành người giám hộ như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đạo đức tốt, không là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm tính mạng…như chúng tôi đã nêu trên.
Người giám hộ không biết chữ tham gia giao dịch mua bán đất thế nào?
Mua bán đất/chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những quyền của người có tài sản. Khi mua bán đất đai thuộc quyền sử dụng của người được giám hộ thì người giám hộ phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
Một là, thỏa mãn điều kiện được giao kết hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người được giám hộ tại Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015
Theo đó, người giám hộ được mua bán đất đai của người được giám hộ nếu giao dịch này vì lợi ích của người được giám hộ và phải được người giám sát giám hộ đồng ý (nếu người được giám hộ là người chưa thành niên hoặc người bị mất năng lực hành vi dân sự) hoặc là một trong những quyền được quyết định bởi tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu người được giám hộ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Lưu ý: Người giám hộ phải chứng minh việc mua bán đất đai này là vì quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ cũng như xuất trình các giấy tờ về việc đăng ký giám hộ khi giao kết hợp đồng.
Hai là, hợp đồng mua bán đất đai phải được công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật
Căn cứ quy định tại Điều 47 Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2015/NĐ-CP, hợp đồng mua bán đất đai được lập thành văn bản tiếng Việt. Nếu bên bán đại diện là người giám hộ không đọc được, không ký được vào hợp đồng thì phải có người làm chứng cho giao dịch này. Người làm chứng phải ký vào hợp đồng và phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng mua bán đất đai.
Thông thường, trong trường hợp người giám hộ không ký được thì có thể điểm chỉ vào hợp đồng mua bán đất đai.
Như vậy, trong hợp đồng mua bán đất đai có chữ ký của người làm chứng, người giám sát giám hộ, điểm chỉ của người giám hộ.
Kết luận: Trong trường hợp người giám hộ không đọc được, không ký được, không biết chữ thì khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể điểm chỉ vào hợp đồng và có sự làm chứng của người làm chứng cũng như phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng mua bán đất đai phải được tiến hành theo các bước luật định tại cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là giải đáp về người giám hộ không biết chữ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.