Người khuyết tật là đối tượng mà Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vậy người khuyết tật là gì và được hưởng chế độ gì?
Người khuyết tật là gì? Các mức độ người khuyết tật
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật được định nghĩa là người bị tàn tật, khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể, người bị suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật làm cho cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày trở nên khó khăn hơn người thường.
Người khuyết tật được chia thành 03 mức độ khuyết tật sau theo khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật năm 2010 và Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP:
STT | Mức độ khuyết tật | Biểu hiện |
1 | Đặc biệt nặng | - Mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các công việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày như đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân… do khuyết tật. - Cần phải có người khác trợ giúp, theo dõi, chăm sóc hoàn toàn. |
2 | Nặng | - Mất một phần/suy giảm chức năng, không tự kiểm soát/không tự thực hiện một số hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: Đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân… do khuyết tật. - Cần có người trợ giúp, theo dõi, chăm sóc. |
3 | Nhẹ | Là người khuyết tật không thuộc hai trường hợp nêu trên |
Hiện nay, người khuyết tật sẽ bị 06 dạng tật quy định rõ tại Điều 3 Luật người khuyết tật 2010 và Quyết định 2170/QĐ-BYT năm 2022 như sau:
1- Khuyết tật vận động: Đây là dạng khuyết tật làm người khuyết tật bị giảm hoặc thậm chí mất đi chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân, gây hạn chế trong quá trình vận động, di chuyển.
2- Khuyết tật nghe, nói: Đây là dạng khuyết tật làm người khuyết tật bị giảm hoặc thậm chí mất đi chức năng nghe hoặc nói (hoặc cả nghe và nói), khó khăn trong việc phát âm thành tiếng và câu rõ ràng, gây hạn chế trong quá trình giao tiếp.
3- Khuyết tật nhìn: Đây là dạng khuyết tật làm người khuyết tật bị giảm hoặc thậm chí mất đi khả năng nhìn và cảm nhận các dạng ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật, kể cả khi ở trong điều kiện ánh sáng, môi trường bình thường.
4- Khuyết tật thần kinh, tâm thần: Đây là dạng khuyết tật làm người khuyết tật rơi vào tình trạng rối loạn tri giác, cảm xúc, mất kiểm soát hành vi, suy nghĩ và thường xuyên có những biểu hiện, lời nói, hành động bất thường.
5- Khuyết tật trí tuệ: Đây là dạng khuyết tật làm người khuyết tật bị giảm hoặc thậm chí mất đi khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện một sự vật, sự việc nào đó bởi chậm suy nghĩ hoặc không thể suy nghĩ, đưa ra phân tích về sự vật, sự việc.
6- Khuyết tật khác: Đây là dạng khuyết tật làm người khuyết tật bị giảm hoặc thậm chí mất đi những chức năng khác của cơ thể, gây khó khăn trong quá trình lao động, sinh hoạt, học tập.
Người khuyết tật là gì?
Người khuyết tật được hưởng chế độ gì?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật được hưởng chế độ từ chính sách của Nhà nước như sau:
Chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội
Chính sách về trợ cấp bảo hiểm xã hội người khuyết tật được quy định tại Chương VIII Luật Người khuyết tật 2010 và Nghị định 20/2021/NĐ-CP, bao gồm:
- Được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:
Người khuyết tật đặc biệt nặng: 720.000 đồng/tháng;
Người khuyết tật nặng: 540.000 đồng/tháng.
- Được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng: Hộ gia đình, cá nhân chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ như sau:
Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi 01 con dưới 36 tháng tuổi: 540.000 đồng/tháng.
Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi 01 con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi 02 con dưới 36 tháng tuổi trở lên: 720.000 đồng/tháng.
- Nếu người khuyết tật đặc biệt nặng không có nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống cho bản thân sẽ được các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng và được Nhà nước hỗ trợ chi phí.
- Trường hợp người khuyết tật chết trong thời gian hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội: 20 x 360.000 = 7.200.000 đồng.
Người khuyết tật được hưởng chế độ gì?
Chế độ chăm sóc sức khỏe
Chính sách về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được quy định tại Chương III Luật Người khuyết tật 2010, bao gồm:
- Chăm sóc sức khỏe tại nơi cư trú: Trạm y tế cấp xã nơi người khuyết tật cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe của người khuyết tật; khám chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn; tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa, giảm thiểu khuyết tật.
- Người khuyết tật được khám chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế, hưởng các chính sách BHYT, được hỗ trợ kinh phí trong quá trình khám chữa bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế.
- Được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Chế độ giáo dục và việc làm
Chính sách về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được quy định tại Chương IV và chương V Luật người khuyết tật 2010, bao gồm:
- Được Nhà nước tạo điều kiện để học tập sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng người khuyết tật.
- Được cho phép nhập học ở tuổi cao hơn so với mức tuổi quy định của chương trình giáo dục phổ thông.
- Được miễn, giảm nội dung học tập, giáo dục nếu người khuyết tật không có khả năng học.
- Được miễn, giảm học phí, các khoản phí đào tạo, quỹ,...
- Được xét học bổng, hỗ trợ phương tiện, tài liệu, dụng cụ hỗ trợ việc học tập (người khuyết tật nghe, nhìn sẽ được cung cấp phương tiện hỗ trợ dành riêng cho từng trường hợp).
- Được tư vấn các vấn đề về tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp phù hợp.
- Được tư vấn học nghề miễn phí, có thể lựa chọn ngành nghề theo khả năng của người khuyết tật mà không có bất kỳ sự phân biệt giữa họ với những người khác.
- Được cơ sở đào tạo dạy nghề cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy công nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và đáp ứng đủ điều kiện để được công nhận.
- Được ưu tiên tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động.
- Được đối xử công bằng, pháp luật cấm các doanh nghiệp không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật nếu người đó đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng; không được hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
- Doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động là người khuyết tật phải đáp ứng đúng, đầy đủ các quy định pháp luật lao động dành riêng cho người khuyết tật.
- Nếu người khuyết tật tự tạo việc làm cho mình, hoặc được hộ gia đình tạo việc làm cho thì người khuyết tật sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ kinh doanh, được hướng dẫn chuyên môn về sản xuất kinh doanh.
Trên đây là thông tin chi tiết giải đáp thắc mắc cho quý bạn đọc về việc người khuyết tật là gì, người khuyết tật được hưởng chế độ gì.
Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến người khuyết tật, vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua số điện thoại 19006192 .