hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 19/04/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người lao động cao tuổi có được tăng ca không?

Người lao động đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn được tiếp tục đi làm nếu có nhu cầu. Vậy khi đi làm, người lao động cao tuổi có được tăng ca không? 

Câu hỏi: Chào Luật sư, năm nay tôi đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn phải tiếp tục đi làm để kiếm thêm thu nhập. Luật sư cho tôi hỏi theo pháp luật thì khi đi làm người lao động cao tuổi như tôi có được tăng ca không? Mong được Luật sư giải đáp!

Thời gian làm việc của người cao tuổi được quy định thế nào?

Căn cứ Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định như sau thì người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Còn tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này, tức là người lao động tiếp tục làm vệc sau độ tuổi nghỉ hưu.

Năm 2024, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, của lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng. Như vậy, người lao động còn làm việc sau độ tuổi này thì được gọi là người lao động cao tuổi.

Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa người lao động cao tuổi là người lao động đã đến độ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục lao động.

Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 về thời giờ làm việc thì không phân biệt giữa người lao động bình thường và người lao động cao tuổi. Cụ thể, người sử dụng lao động được sử dụng lao động cao tuổi làm việc không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần (trong đó, không được vượt quá 10 giờ trong 01 ngày nếu làm việc theo tuần).

Tuy nhiên, để bảo vệ sức khoẻ của người lao động cao tuổi, khoản 2 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như sức khoẻ bản thân, người cao tuổi khi ký kết hợp đồng lao động nên thoả thuận rút ngắn thời gian làm việc so với thông thường hoặc làm part-time (bán thời gian).

Người lao động cao tuổi có được tăng ca không?

Hiện nay, không có Điều khoản nào hạn chế hoặc cấm việc người lao động cao tuổi tăng ca làm thêm giờ được quy định tại Bộ luật lao động 2019. Do đó, khi người lao động cao tuổi đảm bảo sức khoẻ và người sử dụng lao động muốn nhân viên tăng ca thì người lao động cao tuổi hoàn toàn có thể làm việc tăng ca. 

Người lao động cao tuổi có được tăng ca không?

Tuy nhiên, khi người sử dụng lao động sử dụng lao động cao tuổi làm tăng ca cần lưu ý đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 như sau:

Thứ nhất, phải được người lao động cao tuổi đồng ý;

Thứ hai, phải đảm bảo số giờ tăng ca không vượt quá 50% số giờ làm việc thông thường trong 01 ngày của người lao động cao tuổi; nếu công ty áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ tăng ca không vượt quá 12 giờ/ngày và không quá 40 giờ/tháng;

Thứ ba, phải đảm bảo số giờ người lao động cao tuổi tăng ca không vượt quá 200 giờ/năm với công việc bình thường; đối với một số công việc như: sản xuất, gia công xuất khẩu hàng dệt, may, điện tử; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông; cấp, thoát nước,... thì không quá 300 giờ/năm.

Như vậy, người lao động cao tuổi được tăng ca nếu như người đó đồng ý, đồng thời người sử dụng lao động phải bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về điều kiện số giờ tăng ca.

Doanh nghiệp không được tuyển dụng người lao động cao tuổi trong những ngành nghề nào?

Khoản 3 Điều 148 Bộ luật lao động 2019 quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe của họ nhằm bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Đồng thời, trách nhiệm của người của người sử dụng lao động cao tuổi được quy định tại khoản 4 Điều 149 Bộ luật lao động 2019 là tại nơi làm việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi.

Doanh nghiệp không được tuyển dụng người lao động cao tuổi trong những ngành nghề nào?

Doanh nghiệp không được tuyển dụng người lao động cao tuổi trong những ngành nghề nào?

Do đó, pháp luật lao động quy định người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn (khoản 3 Điều 149 Bộ luật lao động 2019).

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, nếu người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi sử dụng lao động cao tuổi làm các công việc trong danh mục nêu trên mà không đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức  thì mức phạt gấp đôi so với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung giải đáp chi tiết cho câu hỏi Người lao động cao tuổi có được tăng ca không?

Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số  19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X