Hợp đồng lao động là văn bản ghi nhận mối quan hệ lao động, quyền và nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vậy người lao động có được giữ hợp đồng lao động không?
Người lao động có được giữ hợp đồng lao động không?
Được ký kết hợp đồng lao động là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của người lao động khi tham gia làm việc cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng lao động sẽ là văn bản thỏa thuận giữa hai bên, ghi nhận đầy đủ các thông tin về mối quan hệ lao động, nội dung vị trí việc làm, mức lương, các chế độ làm việc, nghỉ ngơi,... Việc giữ, bảo quản hợp đồng lao động cũng là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm và tìm hiểu.
Điều 14 Bộ luật lao động năm 2019 có quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau:
"1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.".
Theo quy định này có thể thấy cả người lao động và người sử dụng lao động đều được giữ một (01) bản hợp đồng lao động. Như vậy có thể khẳng định người lao động được giữ hợp đồng lao động.
Pháp luật quy định rõ về nội dung này tạo ra cơ sở cụ thể để người lao động và các doanh nghiệp tuân thủ thực hiện. Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ hợp đồng được soạn thảo, ký kết trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của hai bên, được hai bên đồng ý ký xác nhận để thực hiện.
Việc mỗi bên đều được giữ một (01) bản hợp đồng lao động để làm cơ sở thực thi các điều khoản trong hợp đồng đã ký là hoàn toàn hợp lý. Mặt khác đây cũng là căn cứ để các bên có thể dựa vào, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra sau này.
Quy định về việc người lao động được giữ Hợp đồng lao động tưởng chừng quá hiển nhiên mà người lao động nào cũng phải nắm được, tuy nhiên trên thực tế có một vài người lao động không để tâm đến vấn đề này.
Để thực hiện đúng các thỏa thuận cũng như đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân thì người lao động khi ký kết Hợp đồng lao động phải lưu ý nhận về 1 bản hợp đồng để lưu trữ, thực hiện.
Người lao động không giữ hợp đồng lao động thì hợp đồng có vô hiệu không?
Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong các trường hợp sau thì Hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ:
- Vi phạm nội dung: Tất cả các nội dung của hợp đồng lao động vi phạm quy định pháp luật;
- Vi phạm về chủ thể có thẩm quyền giao kết hoặc nguyên tắc giao kết HĐLĐ:
+ Người đứng ra giao kết hợp đồng lao động là người không đúng thẩm quyền: Ví dụ như về phía người sử dụng lao động thì người giao kết không phải là giám đốc/người được ủy quyền ký kết hợp đồng lao động, hoặc trường hợp trẻ dưới 18 tuổi giao kết hợp đồng không có sự đồng ý của cha mẹ,...
+ Vi phạm các nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động: Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, nguyên tắc thiện chí, hợp tác và trung thực.
- Công việc mà 2 bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm.
Theo quy định nêu trên thì việc người lao động không giữ hợp đồng lao động không phải là căn cứ để hợp đồng vô hiệu.
Do đó mà hợp đồng lao động vẫn có hiệu lực, các bên vẫn phải thực hiện đúng các thỏa thuận đã thống nhất trước đó. Tuy nhiên việc không giữ hợp đồng lao động sẽ gây khó khăn cho người lao động trong việc theo dõi để thực hiện các công việc, vì vậy người lao động cần lưu ý để nhận lại hợp đồng sau ký kết.
Muốn sửa đổi nội dung hợp đồng lao động phải báo trước bao nhiêu ngày?
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung của hợp đồng lao động là quyền của người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng.
Căn cứ Điều 33 Bộ luật lao động 2019 thì khi yêu cầu sửa đổi nội dung hợp đồng lao động thì bên có yêu cầu phải báo cho bên còn lại biết trước ít nhất ba (03) ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Lưu ý ngày làm việc được hiểu là các ngày trong tuần, không bao gồm ngày nghỉ cuối tuần (thứ 7, chủ nhật), các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định pháp luật.
Sau khi thống nhất lại nội dung sửa đổi, hai bên sẽ tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc có thể ký kết hợp đồng lao động mới.
Nếu hai bên không thống nhất được nội dung sửa đổi thì tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận trước đó.
Nhận thấy pháp luật cho phép các bên được linh hoạt trong việc thực hiện hợp đồng lao động, khi có những tác động/thay đổi ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ hay một trong hai bên có mong muốn thay đổi nội dung thì được thực hiện nhu cầu này, tuy nhiên phải đảm bảo thời gian báo trước cho bên còn lại để đi đến thỏa thuận, thống nhất.
Trên đây là quy định pháp luật về mội dung “Người lao động có được giữ hợp đồng lao động không?”. Mong rằng với những thông tin nêu trên, người lao động có thể lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến hợp đồng lao động hay vấn đề pháp luật khác, xin hãy liên hệ tổng đài 1900.6199 để được tư vấn.