hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 01/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người lao động đang làm nghỉ ngang có phải bồi thường không?

Hiện nay tại các công ty có nhiều trường hợp người lao động đang làm việc thì tự ý nghỉ ngang. Trong trường hợp đang làm nghỉ ngang thì người lao động có phải bồi thường không? Cùng tìm hiểu quy định pháp luật liên quan tại bài viết.

Câu hỏi: Tôi đang làm việc cho một công ty nhưng tôi cảm thấy công việc không phù hợp nên đã nghỉ ngang. Cho tôi hỏi khi tôi nghỉ ngang như vậy có phải bồi thường gì cho công ty hay không?

Đang làm nghỉ ngang có phải bồi thường không?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, người lao động nghỉ ngang là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không báo trước với công ty.

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho công ty theo thời hạn quy định như sau:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: báo trước ít nhất 45 ngày;

  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng - 36 tháng: báo trước ít nhất 30 ngày;

  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng: báo trước ít nhất 03 ngày;

  • Ngành, nghề, công việc đặc thù: thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nếu người lao động nghỉ ngang mà không thực hiện việc báo trước hoặc báo trễ so với thời hạn trên thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, nghĩa vụ của người lao động được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

  • Không được trợ cấp thôi việc;

  • Phải bồi thường cho công ty một nửa tháng tiền lương của người lao động ghi trong hợp đồng lao động và một khoản tiền bồi thường tương ứng với số tiền lương của người lao động theo hợp đồng lao động trong những ngày người lao động không thực hiện nghĩa vụ báo trước;

  • Hoàn trả cho công ty chi phí đào tạo theo quy định.

Chi phí đào tạo người lao động phải hoàn trả cho công ty bao gồm các khoản công ty chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy học, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, và các chi phí hỗ trợ cho người người lao động học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian đi học.

Nếu người lao động được gửi đi đào tạo tại nước ngoài thì chi phí đào tạo bao gồm cả chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt của người lao động trong thời gian đào tạo.

Như vậy, người lao động đang làm nghỉ ngang phải bồi thường cho công ty. Số tiền bồi thường bằng  một nửa tháng tiền lương của người lao động ghi trong hợp đồng lao động và một khoản tiền bồi thường tương ứng với số tiền lương của người lao động theo hợp đồng lao động trong những ngày người lao động không thực hiện nghĩa vụ báo trước.

người lao động nghỉ ngang có phải bồi thường khôngNhiều người thắc mắc người lao động nghỉ ngang có phải bồi thường không?

Nghỉ ngang chưa ký hợp đồng có bị trừ lương không?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, công ty phải thực hiện giao kết hợp đồng bằng văn bản đối với những hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, trừ một số trường hợp pháp luật lao động cho phép giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Trường hợp công ty và người lao động đã phát sinh quan hệ thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương nhưng công ty không ký hợp đồng lao động với người lao động thì công ty đang làm trái với quy định pháp luật. Khi đó, công ty sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Dù công ty không ký hợp đồng lao động nhưng quan hệ giữa công ty và người lao động vẫn là quan hệ lao động. Do đó, công ty có nghĩa vụ phải trả lương cho người lao động. Đồng thời Bộ luật Lao động không có quy định trường hợp người lao động nghỉ ngang thì công ty có quyền trừ lương của người lao động.

Vì vậy, người lao động nghỉ ngang khi chưa ký hợp đồng thì không bị trừ lương. 

Khi nào người lao động được nghỉ ngang không cần bồi thường?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, trong những trường hợp dưới đây người lao động có quyền nghỉ ngang không cần báo trước và không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường:

  • Người lao động không được công ty bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc người lao động không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;

  • Người lao động không được trả đủ tiền lương hoặc trả tiền lương không đúng thời hạn;

  • Người lao động bị công ty ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi, lời nói nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người lao động; người lao động bị cưỡng bức lao động;

  • Người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

  • Người lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;

  • Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu;

  • Công ty cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Phần trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Người lao động đang làm nghỉ ngang có phải bồi thường không? Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung tại bài viết trên đây vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X