Lập di chúc là quyền của mỗi cá nhân, dù cho họ có biết chữ hay không. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những người không biết chữ có thể lập được di chúc hợp pháp?
Cách lập di chúc của người không biết chữ
Câu hỏi: Xin chào anh chị, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: những người mà không biết chữ (không biết chữ tiếng Việt) thì họ có thể lập di chúc bằng cách nào? Xin cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với yêu cầu của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Pháp luật dân sự cho phép di chúc của người không biết chữ có thể được lập dưới hình thức văn bản có người làm chứng và được công chứng/chứng thực hoặc di chúc miệng (Điều 629, Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015). Cụ thể như sau:
Di chúc được lập thành văn bản và được công chứng/chứng thực:
Khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Điều này có nghĩa rằng, người không biết chữ cần tìm người làm chứng cho di chúc mình muốn lập. Phải có ít nhất 02 người làm chứng không là người thừa kế của người lập di chúc, không liên quan đến nội dung di chúc và cũng không phải là người chưa thành niên hay là người mất/khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015).Đồng thời, người lập di chúc phải liên hệ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng công chứng/chứng thực để thực hiện việc lập di chúc. Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức có chức năng công chứng/chứng thực di chúc như: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lập di chúc sinh sống, văn phòng công chứng, phòng công chứng...
Thủ tục lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng và được công chứng/chứng của người không biết chữ được thực hiện theo Điều 634, Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 56 Luật Công chứng 2014 như sau:
- Người lập di chúc nhờ người khác đánh máy hoặc viết tay nội dung di chúc và phải có ít nhất 02 người làm chứng cho việc lập di chúc;
- Người lập di chúc thực hiện điểm chỉ vào bản di chúc đã được lập trước mặt hai người làm chứng. Người làm chứng xác nhận điểm chỉ của người lập di chúc;
- Hai người làm chứng phải ký làm chứng vào bản di chúc trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã;
- Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực chứng nhận bản di chúc.
Như vậy, người lập di chúc mà không biết chữ thì pháp luật cho phép thực hiện việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng và có công chứng hoặc chứng thực. Đây cũng là hình thức di chúc bằng văn bản duy nhất pháp luật cho phép người không biết chữ được lựa chọn.
Di chúc được lập là di chúc miệng
Điều kiện để người không biết chữ được lập di chúc miệng được là khi người lập di chúc bị cái chết đe dọa và không thể thực hiện việc lập di chúc bằng văn bản (Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015). Vậy nên, nếu người lập di chúc ở trạng thái sức khỏe bình thường, vẫn có điều kiện để lập di chúc bằng văn bản thì không được phép lập di chúc miệng.
Ngoài ra, di chúc miệng của người không biết chữ lập hợp pháp nếu thỏa mãn các quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng;
- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Do vậy, nếu thuộc trường hợp được lập di chúc miệng thì người không biết chữ cần phải đảm bảo bản di chúc của mình thỏa mãn các điều kiện để được hợp pháp theo các quy định đã nêu ở trên.
Dựa theo các căn cứ pháp lý như trên, trong điều kiện sức khỏe, tinh thần bình thường, pháp luật cho phép người không biết chữ thực hiện lập di chúc có người làm chứng và có công chứng/chứng thực. Họ chỉ có thể lập di chúc miệng trong điều kiện bị đe dọa bởi cái chết và không thể thực hiện việc lập di chúc bằng văn bản.
Di chúc có thể được lập bằng văn bản có người làm chứng (Ảnh minh họa)
Người lập di chúc không biết chữ thì được lập di chúc miệng đúng không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi xin được tư vấn như sau: Tôi có người bạn năm nay 50 tuổi. Sức khỏe, tâm lí của bạn tôi vẫn bình thường, minh mẫn. Theo chia sẻ của bạn, tôi được biết, bạn tôi có một căn chung cư đã có sổ hồng (là tài sản bố mẹ cho trước khi lấy chồng).
Nay bạn tôi muốn lập di chúc miệng cho con vì bạn tôi không biết chữ thì có được không? Xin cảm ơn.
Xin chào bạn, chúng tôi cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Thông qua di chúc, cá nhân thể hiện nguyện vọng, mong muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi họ chết. Một trong những hình thức thể hiện của di chúc là di chúc miệng (quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015).
Khoản 1 Điều 629 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Từ quy định này có thể nhận thấy, việc lập di chúc miệng không phụ thuộc cá nhân vào việc cá nhân đó có biết chữ hay không. Mà phải xem xét đến việc tính mạng của họ có bị đe dọa bởi cái chết không và họ có điều kiện lập di chúc bằng văn bản hay không? Đây cũng là điều kiện người lập di chúc phải tuân thủ nếu họ muốn lập di chúc miệng.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn của bạn vẫn đang khỏe mạnh minh mẫn, vì thế, pháp luật sẽ không cho phép bạn của bạn lựa chọn hình thức lập di chúc miệng tại thời điểm này.
Bạn của bạn muốn lập di chúc thì Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép họ lựa chọn hình thức di chúc có người làm chứng và có công chứng/chứng thực.
Thủ tục thực hiện việc lập di chúc này được Điều 634, Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
- Người lập di chúc nhờ người khác đánh máy hoặc viết tay nội dung di chúc và phải có ít nhất 02 người làm chứng cho việc lập di chúc;
- Người lập di chúc thực hiện điểm chỉ vào bản di chúc đã được lập trước mặt hai người làm chứng. Người làm chứng xác nhận điểm chỉ của người lập di chúc;
- Hai người làm chứng phải ký làm chứng vào bản di chúc trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã;
- Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực chứng nhận bản di chúc;
Lưu ý: tại thời điểm lập di chúc, bạn của bạn phải đảm bảo nội dung của di chúc đã không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; không bị người nào đe dọa, lừa dối, cưỡng ép (khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015).
Vì vậy, việc không biết chữ không là căn cứ để lập di chúc miệng. Pháp luật hiện hành cũng không cho phép bạn của bạn lập di chúc miệng để lại căn chung cư cho con trong tình trạng sức khỏe bình thường, tinh thần minh mẫn.
Thay vì lập di chúc miệng, bạn của bạn có thể lựa chọn hình thức lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng và có công chứng, chứng thực theo thủ tục như chúng tôi đã tư vấn ở trên.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về người lập di chúc không biết chữ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.