Những khó khăn khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án xuất hiện rất thường xuyên trong các vụ án dân sự, đặc biệt là những vụ án có liên quan đến việc trả tiền, bồi thường thiệt hại. Vậy, khi người bị thi hành không tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án phải làm gì để đòi lại tiền của mình?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi là đương sự trong vụ án dân sự tranh chấp về việc vay nợ (nguyên đơn), vụ án của tôi đã được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử xong, bản án đã có hiệu lực thi hành. Tòa án tuyên bên bị đơn phải có nghĩa vụ trả nợ cho tôi. Hồ sơ yêu cầu thi hành án tôi đã nộp theo đúng quy định. Cơ quan thi hành án dân sự cũng đã ra quyết định thi hành án dân sự.
Tôi có đề nghị Tòa án phong tỏa tài sản thì Tòa trả lời nguyên đơn (là tôi) phải chứng minh được tài sản đó là của bị đơn (do bị đơn đứng tên) thì mới có căn cứ để thực hiện phong tỏa. Tôi đã đọc Bộ luật Tố tụng Dân sự mà không biết việc nguyên đơn phải tự chứng minh tài sản đó là của bị đơn để yêu cầu phong tỏa tài sản của bị đơn được tòa chấp nhận quy định ở đâu? Mong được Luật sư giải đáp cụ thể.
Chào bạn, về vấn đề người phải thi hành không tự nguyện thi hành án mà bạn đang vướng mắc, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Thời gian tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án là bao lâu?
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng:
Bản án tranh chấp dân sự về việc vay tiền đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và bản án dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;
Hiện nay, cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết việc thi hành theo bản án có hiệu lực của Tòa;
Bạn có đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện phong tỏa tài sản của bên bị đơn nhưng Tòa chỉ hướng dẫn bạn cách làm mà chưa có bất kỳ quyết định hay văn bản nào thể hiện việc tiếp nhận yêu cầu của bạn.
Căn cứ quy định pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về tố tụng dân sự, thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được giải thích một chút về yêu cầu phong tỏa tài sản của bị đơn mà bạn đang đề nghị thực hiện như sau:
Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định chấp hành viên có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành án (như phong tỏa tài khoản, hoặc tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản…), biện pháp cưỡng chế thi hành án (ví dụ như kê biên, xử lý tài sản thi hành án…) mà không cần quyết định của Tòa án nhân dân khi đã có quyết định thi hành án.
Vậy nên, bạn yêu cầu Tòa án thực hiện biện pháp phong tỏa tài sản của bị đơn khi đã có quyết định thi hành án là không đúng thẩm quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 sẽ không có điều khoản quy định trực tiếp việc nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh tài sản đề nghị phong tỏa là của bị đơn khi đã có quyết định thi hành án.
- Lúc này, bạn có thể đề nghị trực tiếp chấp hành viên đang thực hiện thi hành quyết định thi hành án theo yêu cầu của bạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án hoặc thực hiện cưỡng chế thi hành án (khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành án).
Căn cứ Điều 45 Luật Thi hành án dân sự 2008, khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi 2014 thì thời gian tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án (bị đơn) là:
Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.
=> Theo đó, bị đơn trong vụ án dân sự của bạn có 10 ngày tự nguyện thi hành án (trả tiền cho bạn) kể từ khi nhận được quyết định thi hành án. Quá thời hạn trên, bạn có quyền yêu cầu chấp hành viên đang thi hành quyết định thi hành án của bạn thực hiện cưỡng chế thi hành án theo quy định.
Kết luận: Bị đơn trong vụ án dân sự của bạn có 10 ngày tự nguyện thi hành án, nếu họ có hành vi muốn tẩu tán tài sản thì bạn có quyền yêu cầu chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định pháp luật.
Làm gì khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án?
Khi bản án của bạn đã được cơ quan thi hành thụ lý, giải quyết và ban hành Quyết đinh thi hành bản án thì căn cứ vào Quyết định đó, công chứng viên sẽ thực hiện:
- Giao quyết định thi hành bản án cho bên phải thi hành án và theo dõi, giám sát việc tự nguyện thi hành bản án của bên phải thi hành án;
- Thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (bị đơn) theo quy định tại khoản 17 Điều 11 Luật Thi hành án sửa đổi, bổ sung 2014. Trong đó, chấp hành viên thực hiện xác minh các vấn đề sau:
Thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của bên phải thi hành án (loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản mà bên phải thi hành án có);
Tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn của bên phải thi hành án;
Xác minh giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản;
Xác minh mức thu nhập định kỳ hàng tháng/hàng quý/hàng năm của bên phải thi hành án, mức thu nhập không theo kỳ và nơi trả những khoản thu nhập trên cho bên phải thi hành án;
Và các thông tin khác liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án (ví dụ thông tin về tài sản đang là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ…).
- Chấp hành viên thực hiện xác minh điều kiện thi hành án 06 tháng một lần nếu người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Do vậy, bạn không cần phải tự mình chứng minh những tài sản trên là của bị đơn mà bạn nên cung cấp các thông tin, tài liệu mình có về quyền sở hữu tài sản đó cho chấp hành viên để việc xác minh điều kiện thi hành án được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn.
- Nếu hết 01 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì chấp hành viên chuyển sang hồ sơ theo dõi riêng.
Vậy nên, khi bạn biết rõ bị đơn có tài sản mà không tự nguyện thi hành án thì bạn có thể thực hiện:
Cung cấp thông tin tài liệu có được về quyền sở hữu tài sản của bị đơn cho chấp hành viên đang thực hiện thi hành bản án để chấp hành viên yêu cầu họ phải thực hiện theo quyết định thi hành án;
Bạn đồng thời yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm và thực hiện cưỡng chế thi hành án ngay sau khi đã xác định được tài sản để thi hành án để tránh việc bị đơn có hành vi tẩu tán tài sản.
Kết luận: Bạn có thể cung cấp thông tin về tài sản của bị đơn cho chấp hành viên cũng như có thể đề nghị chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án nếu bị đơn không tự nguyện thi hành án (trả lại tiền) cho bạn.