hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 28/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người vay tiền không chịu trả, phải làm thế nào?

Khi cho người khác vay tiền, ai cũng nghĩ sẽ nhanh chóng đòi được nợ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Lý do có thể từ việc người vay cố tình không trả hoặc lâm vào tình trạng khó khăn.

Câu hỏi: Chào luật sư. Tôi có một món nợ đã 5 năm nay chưa đòi được cả vốn lẫn lãi. Người vay dù đang khó khăn nhưng vẫn còn căn nhà đang dùng để bán hàng nhưng lại kiên quyết không trả nợ cho tôi vì họ nói đó là sinh kế của họ, để họ giữ thì mới có khả năng kiếm tiền trả nợ. Tôi phải làm thế nào? Nghe nói dù kiện ra tòa cũng rất khó để thi hành án.
Chào bạn. Tình trạng người vay tiền không chịu trả nợ là một vấn đề khá phổ biến. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người vay phải trả nợ khi đến hạn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang vi phạm nghĩa vụ này. Vì thế, để đòi được nợ, bạn có thể chọn 4 cách sau đây:

Thỏa thuận về việc trả nợ hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Đầu tiên, phương án dễ thực hiện nhất là tìm cách thỏa thuận tình cảm với nhau. Bạn nên tìm gặp, nói chuyện để yêu cầu họ trả nợ đúng hạn hoặc "cơ cấu nợ".

Theo đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ được hiểu đơn giản là việc bên cho vay điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ vay đối với các khoản nợ cho vay.

Ví dụ, theo thỏa thuận A vay B 50 triệu và phải trả nợ vào tháng 4/2022. Nay đã đến hạn trả nợ nhưng lịch trả nợ có thể được thỏa thuận để lùi lại thêm 01 năm nữa.

Mục đích của việc này là nhằm khôi phục khả năng thanh khoản để bên vay có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục hoạt động kinh doanh để trả nợ cho bạn.

Thậm chí, bạn có thể đề nghị cho bên vay vay thêm tiền để kinh doanh với điều kiện phải thế chấp chính căn nhà đó cho bạn.

Đây là phương án thường được sử dụng nhiều nhất vì đơn giản, dễ thực hiện lại giúp khả năng thu hồi nợ dễ dàng hơn.

nguoi vay tien khong chiu tra

Khoanh nợ cho bên vay

Theo cách hiểu thông thường, khoanh nợ là việc bên cho vay chưa thu nợ của bên vay nhưng không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ.

Ví dụ, bạn cho anh A vay 100 triệu để làm ăn, lãi 12%/năm, vay trong 05 năm. Nay đã quá thời hạn trả nợ nhưng anh A chưa trả được nợ, bạn có thể gia hạn cho anh A thêm 01 năm nữa để trả nợ nhưng không tính lãi cho 01 năm này.

Khi chọn phương án này, bên cho vay có thể chốt số tiền cần được thanh toán, không tính thêm lãi để tạo điều kiện cho bên vay có khả năng trả nợ, đồng thời cho người vay thêm thời gian để thu xếp.

Mặc dù cách làm này khiến người cho vay phải chịu thiệt nhưng có thể giúp người vay ổn định tâm lý, tập trung làm ăn trả nợ. Thực tế, nhiều trường hợp người vay tiền do bị ép đã trốn tránh, bỏ chạy dẫn đến mất khả năng trả nợ và gây thiệt hại cho cả đôi bên.

Tố cáo tới cơ quan Công an

Nếu bạn thấy người vay có dấu hiệu trốn tránh trả nợ dù có khả năng trả nợ, bạn cần làm đơn tố cáo họ ra cơ quan Công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tùy từng trường hợp.

Có thể con nợ của bạn rất sợ phương án này vì có thể phải đối mặt với vòng lao lý nên thu xếp để nhanh chóng trả nợ.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc một người sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Chẳng hạn, anh A nói vay bạn 10 triệu để đi làm ăn nhưng khi đến hạn dù có tiền để trả nợ nhưng A cố tình không trả nợ cho bạn.

Còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thể hiện qua hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Khi bị xử lý hình sự, Tòa án cũng sẽ đồng thời yêu cầu người vay phải trả nợ cho bạn.

Khởi kiện ra Tòa án dân sự yêu cầu trả nợ

Phương án này là phương án rất mất thời gian nên thường được lựa chọn cuối cùng nếu như 3 cách trên đều không thể thực hiện được, đặc biệt nếu người vay không có dấu hiệu phạm tội.

Đương nhiên, nếu bạn chứng minh được mình là bên cho vay và chưa được trả nợ, Tòa án chắc chắn sẽ ban hành quyết định hoặc bản án buộc người vay trả cả tiền gốc và lãi.

Để thực hiện thủ tục khởi kiện, bạn có thể nộp hồ sơ tại Tòa án nơi bị đơn (bên vay) đang cư trú để yêu cầu được giải quyết.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Đơn khởi kiện.

- Chứng cứ chứng minh khoản vay như giấy vay nợ, tin nhắn, ghi âm chứng minh việc vay nợ;

- Giấy tờ chứng minh địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn.

- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc xác nhận thông tin cư trú.

Nhược điểm của kiện tụng là "rất mất thời gian". Nếu tòa án không thể hòa giải và yêu cầu bên vay trả nợ thì việc chờ đợi các phiên tòa có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm trời.

Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa, cơ quan thi hành án dân sự cũng mất tương đối nhiều thời gian để tiến hành thi hành án. Chưa kể, người vay tiền nếu đã không thể trả thường do không có tài sản, vì thế không thể thi hành án.

Trong trường hợp này, căn cứ khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 06 tháng một lần.

Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Vì mất thời gian lại chưa chắc đã thi hành án được nên đây thường là cách đòi nợ được chọn cuối cùng.

Trên đây là giải đáp người vay tiền không chịu trả, phải làm thế nào? Nếu còn thắc mắc, liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ qua tổng đài miễn phí  19006192.

>> Phải làm gì khi người nợ tiền không còn tài sản để trả?

Có thể bạn quan tâm

X