Khi nào thì người vi phạm giao thông bị lập biên bản? Người vi phạm giao thông không ký biên bản có phải nộp phạt? Không ký biên bản vi phạm giao thông bị phạt bao nhiêu? Tham khảo câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.
Khi nào thì người vi phạm giao thông bị lập biên bản?
Hiện nay bên cạnh việc xử phạt tại chỗ, CSGT sẽ phải tiến hành lập biên bản vi phạm giao thông trong những trường hợp được pháp luật quy định.
Trước hết cần hiểu biên bản đối với người vi phạm giao thông là văn bản trình bày các nội dung bao gồm: thời gian, địa điểm, đối tượng, nội dung,... của hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông. Biên bản vi phạm giao thông được xem là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm.
Căn cứ khoản 1 Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện đối với hành vi vi phạm hành chính mà mức xử phạt không phải là cảnh cáo và nếu bị xử phạt tiền thì phải từ trên 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, có quy định phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Ngoài ra căn cứ khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP việc lập biên bản vi phạm hành chính về giao thông được thực hiện nếu tại thời điểm kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông không xuất trình được các loại giấy tờ bao gồm: Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường.
Tóm lại, khi vi phạm quy định về an toàn giao thông thì người vi phạm sẽ bị CSGT lập biên bản nếu bị phạt tiền từ trên 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức; hoặc bị phát hiện hành vi vi phạm do phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; hoặc không xuất trình được các loại giấy tờ xe (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường ...)
Người vi phạm giao thông không ký biên bản có phải nộp phạt?
Người vi phạm giao thông không ký biên bản có phải nộp phạt?
Căn cứ khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020) có quy định:
Nếu người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản này phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hành chính hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm này không ký vào biên bản.
Nếu không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do.
Theo đó, pháp luật đã quy định rõ ràng cách xử lý đối với trường hợp người vi phạm cố tình chống đối mà không chịu ký vào biên bản. Lúc này, biên bản vẫn đảm bảo về mặt giá trị do đã được xác nhận, được làm chứng bởi đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến.
Như vậy, trường hợp người vi phạm/người đại diện tổ chức vi phạm không ký biên bản thì vẫn có căn cứ xử phạt và phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt theo quy định pháp luật .
Không ký biên bản vi phạm giao thông bị phạt bao nhiêu?
Hiện nay, hành vi người vi phạm/ người đại diện tổ chức vi phạm khi không ký biên bản vi phạm giao thông không được xem là hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Đồng thời, căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì không có quy định nào đề cập đến việc xử phạt đối với hành vi không ký biên bản vi phạm giao thông.
Theo đó, trường hợp người vi phạm/người đại diện tổ chức vi phạm không ký biên bản vi phạm giao thông thì có trách nhiệm nộp phạt với lỗi đã vi phạm mà không bị xử lý thêm lỗi không ký biên bản.
Bên cạnh đó, cần lưu ý trường hợp người vi phạm/người đại diện tổ chức vi phạm không chịu ký vào biên bản vi phạm giao thông thì sẽ không nhận được biên bản vi phạm ngay tại thời điểm CSGT lập.
Người vi phạm có thể được yêu cầu làm bản tường trình nêu rõ thông tin cá nhân, thông tin phương tiện, hành vi vi phạm, thời gian vi phạm, địa điểm lập biên bản và trình bày lý do không ký biên bản trước đó.
Tóm lại, khi không ký biên bản vi phạm giao thông cũng sẽ không bị xử phạt thêm đối với hành vi này nhưng quá trình thủ tục nhận lại phương tiện, giấy tờ xe và việc nộp phạt về sau có thể sẽ phức tạp hơn thông thường.
Trên đây là thông tin liên quan vấn đề người vi phạm giao thông không ký biên bản. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số 19006192 để được hỗ trợ.