Pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành ở nước ta có chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi. Vậy những người cao tuổi nếu nhận tiền tuất có bị cắt chế độ người cao tuổi không?
Trợ cấp tuất là gì? Chế độ người cao tuổi là gì?
Hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa cụ thể trợ cấp tuất là gì. Tuy nhiên, căn cứ Điều 121 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Điều 67,69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có hai loại trợ cấp tuất, bao gồm:
Thứ nhất, trợ cấp tuất là chế độ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả đối với thân nhân người có công khi người này qua đời, gồm có 03 loại là trợ cấp một lần, trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.
Thứ hai, trợ cấp tuất thuộc chế độ tử tuất do bảo hiểm xã hội chi trả cho thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sau khi người này mất, gồm có 02 loại là trợ cấp tuất một lần và trợ cấp tuất hàng tháng.
Tương tự, pháp luật cũng không có quy định chế độ người cao tuổi là gì. Tuy nhiên, thông qua quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi 2009 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, có thể hiểu chế độ người cao tuổi là chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi.
Nhận tiền tuất có bị cắt chế độ người cao tuổi không?
Căn cứ các quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi 2009 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng khi đáp ứng hai điều kiện sau:
- Một là, người cao tuổi phải đủ 80 tuổi trở lên;
- Hai là, người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Như vậy, theo quy định trên thì có thể hiểu rằng người đã nhận tiền tuất hàng tháng (tức trợ cấp xã hội/trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng) thì không được đồng thời hưởng chế độ người cao tuổi.
Mức trợ cấp tuất và trợ cấp cho người cao tuổi hàng tháng là bao nhiêu?
Mức trợ cấp tuất và trợ cấp cho người cao tuổi là hoàn toàn khác nhau, được tổng hợp cụ thể trong bảng dưới đây:
Loại trợ cấp | Mức trợ cấp | Cơ sở pháp lý | |
Trợ cấp tuất | Trợ cấp tuất hàng tháng bảo hiểm xã hội | - 50% mức lương cơ sở: 900 nghìn đồng - 70% mức lương cơ sở (thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng): 1 triệu 260 nghìn đồng | - Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 |
Trợ cấp tuất hàng tháng thân nhân người có công | Tuỳ đối tượng người có công với cách mạng mà thân nhân những người này được hưởng mức trợ cấp khác nhau. Dao động từ 1 triêu 031 nghìn đồng đến 6 triệu 589 nghìn đồng | ||
Trợ cấp người cao tuổi | 360 nghìn đồng/tháng | Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP |
Lưu ý: mức trợ cấp tuất hàng tháng bảo hiểm xã hội đang được tính theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 55/2023/NĐ-CP. Mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ không còn tính theo lương cơ sở nữa, mà được điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp tuyệt đối được quy định vẫn giữ nguyên trong bảng trên, không có sự thay đổi.
Người hưởng lương hưu có được hưởng chế độ người cao tuổi không?
Như đã đề cập ở phần trên, theo các quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi 2009 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng khi đáp ứng các điều kiện là phải đủ 80 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Như vậy, tương tự với trường hợp người cao tuổi đang nhận tiền tuất, những người cao tuổi tù đủ 80 tuổi trở lên nếu thuộc đối tượng hưởng lương hưu thì sẽ không được đồng thời hưởng chế độ người cao tuổi.
Trên đây là nội dung giải đáp cụ thể cho câu hỏi Nhận tiền tuất có bị cắt chế độ người cao tuổi không?
Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số 19006192 để được hỗ trợ