hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 30/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công ty nợ tiền bảo hiểm, tôi có được nhận trợ cấp thất nghiệp?

Có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm không là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, nhất là khi nghỉ việc. Vậy người lao động phải làm gì để được nhận trợ cấp?

Mục lục bài viết
  • Có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm?
  • Làm sao biết công ty nợ bảo hiểm thất nghiệp?
  • Công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì bị xử phạt thế nào?
  • Doanh nghiệp được nợ BHXH bao lâu mà không bị phạt?

Có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm?

Câu hỏi: Chào anh chị, công ty cũ của tôi đang nợ tiền BHXH và tôi bị thiếu sổ bảo hiểm để nộp hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp. Trong trường hợp này, tôi có cơ hội nhận trợ cấp thất nghiệp được không ạ?

Chào chị, chị hoàn toàn có thể nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm nếu đáp ứng được những yêu cầu sau:

Đủ điều kiện nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, nếu người lao động đáp ứng được bốn yếu tố sau thì sẽ được xem xét nhận trợ cấp thất nghiệp:

- Đã chấm dứt hợp đồng với người sử dụng lao động (Không: đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, nhận lương hưu hoặc có trợ cấp mất sức lao động);

- Có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng (đối với hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn) hoặc từ đủ 12 tháng trở lên trong 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng (đối với người ký hợp đồng mùa vụ hoặc công việc khác từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng).

Ví dụ: Chị đi làm tại công ty từ năm 2021 – 2022 với vị trí nhân sự hành chính, trong thời gian 02 năm nay chị đã đóng bảo hiểm được 1,5 năm (18 tháng) thì được coi là đủ thời gian tham gia bảo hiểm.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng hạn;

- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ nói trên nhưng chưa tìm được việc và không: Đi nghĩa vụ; đi học từ đủ 01 năm trở lên; bị đưa vào trường giáo dưỡng, hoặc các cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam, đi tù; Đi xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài; Chết.

Nếu người lao động đáp ứng được các yếu tố tại Điều 49 nêu trên thì có thể chuẩn nộp sổ BHXH cùng những giấy tờ có liên quan theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung).

Có cách xử lý phù hợp

Khi công ty nợ tiền BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động sau khi nghỉ việc (Ví dụ: không thể chốt sổ bảo hiểm sớm, dẫn đến quá thời hạn nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp).

Khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH sửa đổi bổ sung Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH đã khẳng định, các công ty này phải đóng đủ số tiền nợ và lãi chậm đóng và xác nhận sổ bảo hiểm cho người lao động đến thời điểm đã đóng bảo hiểm.

Theo chúng tôi, trong trường hợp này, chị có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai cách sau để có thể nộp hồ sơ và nhận trợ cấp đúng hạn:

- Trao đổi, thương lượng với công ty chốt sổ bảo hiểm sớm;

- Khiếu nại lên Thanh tra lao động để được can thiệp.

Tóm lại, nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên, chị vẫn có thể nhận được trợ cấp dù công ty đang nợ đóng bảo hiểm.

Nhân viên có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm không?

Nhân viên có được nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm không?

Làm sao biết công ty nợ bảo hiểm thất nghiệp?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, mong Hieuluat chỉ cho tôi xem có cách nào để biết công ty mình có nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không? Tôi sợ rằng nếu họ nợ bảo hiểm thì sẽ ảnh hưởng đến nhân viên công ty.

Chào bạn, việc công ty nợ không đóng bảo hiểm sẽ tác động đến quyền của người lao động (nhất là khi bị mất việc làm, không có thu nhập). Để biết công ty có nợ đóng bảo hiểm hay không, bạn có thể thực hiện theo các cách sau:

Cách 1. Tra cứu thông tin đóng bảo hiểm trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Bạn truy cập theo đường link này (https://baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx), chọn Tra cứu quá trình tham gia BHXH rồi điền các thông tin được yêu cầu.

Sau khi hoàn thành việc điền thông tin thì bạn tick vào ô Tôi không phải người máy rồi lấy mã OTP nhập lên hệ thống và tiến hành tra cứu.

Khi các thông tin về quá trình đóng bảo hiểm của bạn hiện ra (Quá trình đóng BHXH, Quá trình đóng BHTN, Quá trình đóng BHTNLĐ), bạn chọn tab Quá trình đóng BHTN để đối chiếu với tình hình thực tế. Nếu thấy thiếu thời gian đóng thì phải xác nhận lại ngay với công ty.

Cách 2. Sử dụng VssiD để tra cứu

Bạn đăng nhập tài khoản trên app VssID, vào mục Quản lý cá nhân và ấn chọn Quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp rồi đối chiếu với tình hình thực tế.

Cách 3. Đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội hỗ trợ

Để biết công ty nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp không hoặc nợ từ khi nào, bạn có thể cung cấp thông tin của công ty cho cơ quan BHXH nơi gần nhất để tra cứu.

Để biết công ty nợ bảo hiểm hay không, bạn có thể tự tra cứu Để biết công ty nợ bảo hiểm hay không, bạn có thể tự tra cứu

Công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi nếu công ty không chịu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên thì có bị phạt tiền không? Mức phạt thế nào ạ?

Chào bạn, công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp khi bị phát hiện và lập biên bản chắc chắn phải nộp phạt. Mức phạt được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Theo Điều 39, mức xử phạt tối đa dành cho công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động tại thời điểm lập biên bản vi phạm là từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, song không được vượt quá 75 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu công ty chậm đóng từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền bảo hiểm thất nghiệp còn nợ và trả lãi tương đương 02 lần lãi suất đầu tư vào quỹ BHXH.

Doanh nghiệp được nợ BHXH bao lâu mà không bị phạt?

Câu hỏi: Chào Hieuluat, do khó khăn nên chúng tôi đang chậm đóng tiền bảo hiểm. Vậy công ty chúng tôi được nợ đóng trong thời gian bao nhiêu lâu?

Chào bạn, đối với câu hỏi này chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ nội dung khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014, công ty sẽ bị xử phạt khi nợ bảo hiểm từ 30 ngày trở lên với những hình thức cụ thể như sau:

- Đóng đủ tiền nợ;

- Nộp tiền lãi với mức bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền và thời gian chậm đóng. Khoản này công ty có thể tự nộp hoặc bị trích ra từ tài khoản ngân hàng để chuyển cho cơ quan BHXH.

Như vậy có thể khẳng định, doanh nghiệp chỉ được phép chậm đóng bảo hiểm tối đa 29 ngày.

Trên đây là nội dung giải đáp về vấn đề nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ bảo hiểm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được tư vấn thêm.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X