Nhập vụ án dân sự là một vấn đề pháp lý được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành. Vậy về bản chất, nhập vụ án dân sự là gì? Khi nào Toà án cần phải thực hiện nhập vụ án dân sự?
Nhập vụ án dân sự là gì?
Nhập vụ án dân sự là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì nhập vụ án dân sự được hiểu là việc Toà án có thẩm quyền nhập hai hoặc nhiều vụ án dân sự mà Toà đã thụ lý riêng thành một vụ án để tiến hành giải quyết.
Lưu ý việc nhập và giải quyết vụ án dân sự vào một vụ án thì phải bảo đảm việc tuân thủ theo pháp luật nói chung và pháp luật về tố tụng dân sự nói riêng.
Cũng theo quy định này, đối với vụ án dân sự có nhiều người cùng có yêu cầu khởi kiện với cùng một cá nhân hay cơ quan, tổ chức là người bị kiện thì Toà án cũng có thể nhập yêu cầu của những người khởi kiện đó lại để tiến hành giải quyết trong cùng một vụ án.
Như vậy, hiểu đơn giản thì nhập vụ án dân sự là việc gộp hai hoặc nhiều vụ án dân sự riêng lẻ đã được Toà án thụ lý vào thành một vụ án để tiến hành giải quyết theo quy định pháp luật.
Toà án có thể nhập vụ án dân sự trong trường hợp nào?
Toà án có thể nhập vụ án dân sự trong trường hợp nào?
Như đã phân tích trên thì Toà án là cơ quan có thẩm quyền nhập các vụ án dân sự riêng lẻ đã thụ lý thành một vụ án chung để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, việc nhập vụ án dân sự được thực hiện trong các trường hợp dưới đây:
- Trường hợp Toà án nhập hai hoặc nhiều vụ án dân sự được thụ lý độc lập với nhau nếu xét thấy việc nhập và giải quyết vụ án dân sự sau khi được nhập lại đảm bảo được đúng quy định của pháp luật hiện hành;
- Trường hợp có nhiều người khởi kiện cùng một cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức thì Toà án có thể nhập thành một vụ án để cùng giải quyết yêu cầu khởi kiện của những người có yêu cầu.
Trên đây là hai trường hợp cơ bản mà Toà án có thể thực hiện nhập các vụ án dân sự để giải quyết.
Trên thực tế áp dụng quy định pháp luật về nhập vụ án dân sự thì hầu hết các vụ án dân sự được thụ lý độc lập khi nhập lại thành một vụ thì đều là những vụ án dân sự có liên quan đến nhau, cần phải nhập lại để giải quyết.
Việc nhập vụ án giúp cho hoạt động giải quyết án được thực hiện nhanh chóng, vẫn tuân thủ pháp luật về tố tụng dân sự.
Ai có thẩm quyền ra quyết định nhập vụ án dân sự?
Ai có thẩm quyền ra quyết định nhập vụ án dân sự?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thẩm quyền ra quyết định nhập vụ án dân sự mà chỉ quy định chung Toà án là cơ quan có thẩm quyền nhập vụ án dân sự để giải quyết.
Do chưa có quy định cụ thể nên việc xác định cá nhân có thẩm quyền ra quyết định nhập vụ án dân sự để giải quyết vẫn còn nhiều tranh cãi.
Hiện nay, việc xác định người có thẩm quyền quyết định nhập vụ án dân sự được chia thành hai quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Chánh án của Toà án nơi thụ lý các vụ án là người có quyền quyết định việc nhập hoặc tách vụ án dân sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 47 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án đã nêu rõ Chánh án của Toà án có quyền quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Bên cạnh đó, nhập vụ án dân sự là một trong các hoạt động tố tụng dân sự được Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành điều chỉnh.
Theo đó, với các lập luận trên thì Chánh án là người có thẩm quyền quyết định việc nhập các vụ án đã được thụ lý độc lập tại Toà án mình;
- Quan điểm thứ hai: Thẩm phán - người được Chánh án của Toà án giao nhiệm vụ giải quyết vụ án dân sự là người có thẩm quyền quyết định nhập vụ án dân sự.
Tại khoản 14 Điều 48 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành cũng quy định, Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, quy định này chỉ mang tính chất chung chung, không cụ thể hoá về quyền hay trách nhiệm của Thẩm phán.
Như vậy, các quan điểm trên đều thể hiện thông qua những căn cứ hợp lý và được đúc kết từ chính hoạt động tiến hành tố tụng dân sự tại các Toà án trên thực tế.
Theo đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể, chúng ta có thể linh hoạt trong việc xác định người có thẩm quyền ra quyết định nhập vụ án dân sự.
Trong các vụ án đơn giản thì Thẩm phán được phân công giải quyết có thể là người quyết định việc nhập vụ án dân sự để bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập.
Còn đối với các vụ án có tính chất phức tạp hơn thì cần phải có sự bàn bạc, thống nhất và Chánh án sẽ là người có thẩm quyền ra quyết định nhập vụ án dân sự.
Đương sự có quyền khiếu nại khi nhập vụ án dân sự không?
Căn cứ khoản 3 Điều 42 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì khi Toà án ban hành quyết định nhập vụ án dân sự thì Toà án phải gửi ngay quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, gửi cho các đương sự của vụ án, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Theo đó, Toà án thụ lý phải gửi đến các cá nhân, tổ chức có liên quan nêu trên để họ được biết và đảm bảo việc không gây ra bất lợi nào ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Theo quy định trên thì việc gửi quyết định nhập vụ án dân sự cho các đương sự có liên quan là trách nhiệm của Toà án thụ lý vụ án.
Nếu Toà án không thực hiện trách nhiệm của mình thì được xem là hành vi vi phạm tố tụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tại khoản 1 Điều 499 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành cũng quy định đương sự có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong hoạt động tố tụng dân sự của người tiến hành tố tụng, của cơ quan tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Theo đó, hành vi không ban hành quyết định hoặc ban hành quyết định nhưng không gửi quyết định nhập vụ án dân sự là hành vi vi phạm pháp luật về tố tụng dân sự của Toà án.
Theo đó, nếu Toà án thụ lý vụ án dân sự có hành vi nêu trên thì đương sự có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên đây là quy định về nhập vụ án dân sự hiện nay.Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số 19006192 để được hỗ trợ