hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 28/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Những ai có thể tái nhiễm Covid-19? Làm sao để tránh bị tái nhiễm?

Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm Covid chỉ trong khoảng thời gian ngắn sau khi nhiễm Covid lần đầu. Vậy những ai có nguy cơ tái nhiễm với Covid?

Mục lục bài viết
  • Những ai có thể tái nhiễm Covid-19?
  • Tái nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
  • Làm sao để tránh tái nhiễm Covid-19?
Câu hỏi: Tôi thấy hiện nay số ca nhiễm Covid tăng cao và đều mỗi ngày, kể cả những người đã tiêm 3 mũi vắc xin vẫn bị nhiễm. Đáng lo ngại hơn là còn tình trạng tái nhiễm. Cho tôi hỏi những ai có thể tái nhiễm Covid-19? Phòng tránh tái nhiễm bằng cách nào?

Chúng tôi thông tin về vấn đề của bạn như sau:

Những ai có thể tái nhiễm Covid-19?

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan, chuyên khoa nội tim mạch, Viện Tim TP.HCM, cho biết đã gặp các bệnh nhân bị tái nhiễm với Covid-19.

Theo bác sĩ Lan thì y văn thế giới cho rằng ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí có thể tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ 5K chứ không phải chỉ nhiễm một lần là sẽ tạo miễn dịch suốt đời. Tùy tình trạng nhiễm bệnh mà người tái nhiễm với Covid có thể có những di chứng hay không.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, khi nhiễm Covid cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì trong cơ thể người luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu.

Hơn nữa, với những biến chủng mới của COVID-19 sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được.

Bác sĩ Lê Tiến Huy, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Y dược cũng thông tin rằng, nhiều người nhiễm Covid có suy nghĩ chủ quan, nghĩ rằng sẽ không bị tái nhiễm lần nữa. Nhưng thực tế, không ít trường hợp ghi nhận tái nhiễm sau 1-2 tháng khỏi bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bác sĩ Huy đầu tiên là do miễn dịch của cơ thể, nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian nên có khả năng tái nhiễm là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, việc tái nhiễm là với các biến chủng khác nhau.

Hai là, chúng ta tái nhiễm Covid-19 nhưng tái nhiễm các biến chủng khác nhau và miễn dịch của cơ thể tạo ra để chống lại biến chủng trước không đủ để ngăn cản biến chủng phía sau.

nhung ai co the tai nhiem covid-19

Tái nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, một thành viên của nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh Covid cho biết, thống kê tại Mỹ cho tỉ lệ có 7 - 23% người mắc Covid bị tái nhiễm, thời gian ghi nhận tình trạng tái nhiễm trung bình thường trong 70 ngày sau khi nhiễm Covid lần đầu tiên.

Các thống kê kê cũng cho biết tình trạng bệnh khi tái nhiễm thường nhẹ hơn so với đợt đầu do kháng thể sau đợt nhiễm đầu vẫn còn.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, nếu tái nhiễm, người bệnh có thể điều trị tương tự đợt đầu hoặc điều trị theo triệu chứng.

Ở nhiều người, trong giai đoạn đầu của dịch virus tồn tại dai dẳng trong cơ thể, sau một thời gian khỏi bệnh xét nghiệm lại thấy dương tính, đây được xem là những virus còn sót lại, không phải tình trạng tái nhiễm.

Tuy nhiên, thực tế tình trạng tái nhiễm đã được ghi nhận khá rõ ràng. Các bác sĩ điều trị cho biết hiện đã ghi nhận một số ca bệnh đã dương tính Covid trong năm 2020, 2021 và gần đây đã dương tính trở lại, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có những tỉ lệ tái nhiễm Covid dù không đáng kể.

Việc tái nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người  bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nói chung. Đặc biệt, với những người cao tuổi, có bệnh nền nếu tái nhiễm sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh nặng hơn.

Làm sao để tránh tái nhiễm Covid-19?

Các bác sĩ đều có chung ý kiến là dù đã mắc Covid thì người dân vẫn nên thực hiện 5K để phòng tránh bị tái nhiễm. Với những người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm chủng vắc xin Covid đầy đủ theo hướng dẫn.

Theo bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, tại Việt Nam tỉ lệ ca dương tính tái nhiễm Covid-19 hiện chưa được thống kê, nhưng rải rác đã được ghi nhận, thời gian tái nhiễm cũng tương tự với bệnh nhân ghi nhận ở nước ngoài.

Hiện, Việt Nam đã ghi nhận trên 3 triệu ca mắc Covid, nếu 7 - 23% bệnh nhân bị tái nhiễm thì con số cũng không nhỏ. Người dân cần thực hiện 5K và các biện pháp phòng hộ, tránh tập trung đông người nếu không thật cần thiết, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả.

Người đã khỏi bệnh nên đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế đầy đủ để tránh nguy cơ tái nhiễm tốt nhất.

BS. Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết nguy cơ tái nhiễm Covid với biến thể Omicron của người từng nhiễm Delta cao hơn nhóm từng nhiễm Alpha.

Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân sau khi khỏi Covid vẫn nên tiêm đủ 3 mũi vắc xin và thực hiện nghiêm túc 5K.

Hầu hết các báo cáo cho thấy, người đã mắc Covid có khả năng tránh tái nhiễm trong vòng 03 tháng kể từ khi mắc lần đầu.Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) định nghĩa tái nhiễm là xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau 90 ngày kể từ lần nhiễm trùng trước đó. Chính vì thế, nếu gần đây bạn đã khỏi bệnh nhưng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, bạn cũng không nên chủ quan và nên làm xét nghiệm để khẳng định bệnh.


Trên đây là các thông tin liên quan đến những ai có thể tái nhiễm Covid-19? Nếu bạn còn băn khoăn, có liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X