Cảnh sát giao thông có quyền hạn kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Tuy nhiên cũng tồn tại những điều cảnh sát giao thông không được làm. Cùng tìm hiểu về nội dung này ở bài viết bên dưới.
- Những điều cảnh sát giao thông không được làm
- Cảnh sát giao thông không được tự ý dừng xe của người tham gia giao thông
- Cảnh sát giao thông không được tự ý khám người và phương tiện giao thông
- Cảnh sát giao thông không được rút chìa khóa xe của người vi phạm
- Cảnh sát giao thông không được nhận tiền của người vi phạm
Những điều cảnh sát giao thông không được làm
Cảnh sát giao thông không được tự ý dừng xe của người tham gia giao thông
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cảnh sát giao thông không được tự ý dừng xe người đi đường. Theo đó, chỉ có 04 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng xe người vi phạm bao gồm:
Trực tiếp phát hiện/thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông;
Thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, các mệnh lệnh từ cấp trên;
Có văn bản đề nghị của các bên có thẩm quyền;
Tin báo, kiến nghị, tố cáo của cá nhân, tổ chức về hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia giao thông.
Những điều cảnh sát giao thông không được làm khi dừng xe của dân
Cảnh sát giao thông không được tự ý khám người và phương tiện giao thông
Theo quy định hiện hành, cảnh sát giao thông không được tự ý khám xét người và xe của người tham gia giao thông. Theo đó, tại Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cảnh sát giao thông khi dừng xe người vi phạm được kiểm tra các nội dung liên quan đến người và phương tiện bao gồm:
Kiểm tra các giấy tờ có liên quan (giấy phép lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, giấy kiểm định,...);
Kiểm tra phương tiện có đáp ứng điều kiện tham gia giao thông hay không;
Kiểm tra việc chấp hành quy định giao thông đường bộ.
Theo đó, không có quy định về việc cảnh sát giao thông được tự ý kiểm tra người và phương tiện của người vi phạm. Bên cạnh đó, theo quy định Khoản 1 Điều 127 và Khoản 1 Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cảnh sát giao thông chỉ được khám người và phương tiện của người vi phạm khi căn cứ cho rằng người đó hoặc phương tiện đó đang cất giấu tài liệu, đồ vật, phương tiện để phạm pháp hoặc tang vật phạm pháp.
Cảnh sát giao thông không được rút chìa khóa xe của người vi phạm
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cảnh sát giao thông có quyền hạn sau:
Dừng và kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ;
Áp dụng các biện pháp ngăn chặn cũng như xử lý hành vi vi phạm;
Yêu cầu tổ chức, cá nhân, các cơ quan phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc, cản trở giao;
Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ;
Được tạm đình chỉ đi lại một số đoạn đường, phân luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông;
Các quyền hạn khác.
Trong trường hợp cảnh sát dừng xe của người vi phạm thì theo như nội dung đã trình bày ở trên, cảnh sát cũng chỉ có quyền kiểm tra phương tiện và các giấy tờ liên quan. Như vậy, có thể thấy cảnh sát giao thông không có quyền tự ý rút chìa khóa xe của người vi phạm.
Cảnh sát giao thông không được nhận tiền của người vi phạm
Cảnh sát giao thông không được nhận tiền của người vi phạm
Thông thường các lỗi vi phạm của người tham gia giao thông sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Đối với hoạt động xử lý vi phạm hành chính này, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 22. Các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
[...]
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.”
Theo đó, khi xử lý các trường hợp vi phạm cảnh sát giao thông không được quyền nhận tiền của người vi phạm. Trường hợp cảnh sát giao thông nhận tiền của người vi phạm, tùy vào số tiền đã nhận cảnh sát giao thông có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nhận hối lộ.
Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong trường hợp cảnh sát giao thông nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị áp dụng hình phạt từ 02 - 07 năm tù.
Cảnh sát giao thông không được truy đuổi người vi phạm
Theo quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, cảnh sát giao thông được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Các biện pháp này có thể là tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến xe,... Tuy nhiên, cảnh sát giao thông phải đảm bảo hoạt động tuần tra, kiểm soát của mình không cản trở đến hoạt động tham gia giao thông của những đối tượng khác.
Hiện nay, pháp luật không có quy định về việc cầm cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm. Trong trường hợp người vi phạm gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người khác thì việc truy đuổi là cần thiết. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chỉ vi phạm những lỗi nhỏ, việc truy đuổi của cảnh sát giao thông là không cần thiết.
Tóm lại, việc truy đuổi người vi phạm của cảnh sát giao thông không trái pháp luật nhưng phải được áp dụng vào những tình huống phù hợp. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà cảnh sát giao thông có thể linh động tìm biện pháp xử lý phù hợp.
Một số lưu ý khi gặp cảnh sát giao thông
Một số lưu ý khi gặp cảnh sát giao thông
Khi tham gia giao thông mà bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra thì người dân cần lưu ý những điều sau:
Thứ nhất, người dân cần lưu ý những nội dung cảnh sát giao thông không được làm để bảo đảm quyền lợi cho mình.
Thứ hai, cần giữ bình tĩnh và cư xử đúng mực với cảnh sát giao thông.
Thứ ba, có thái độ hợp tác với cảnh sát giao thông khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ hoặc kiểm tra nồng độ cồn.
Thứ tư, trường hợp có hành vi vi phạm, người dân cần tuân theo yêu cầu của cảnh sát giao thông để họ kiểm tra và chấp hành việc xử phạt hành chính.
Trên đây là nội dung liên quan đến những điều cảnh sát giao thông không được làm. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên vui lòng liên hệ đến tổng đài: 19006192 để được tư vấn.