hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 22/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Những loại hàng hóa không được khuyến mại

Khuyến mại là một trong những hoạt động kích cầu tiêu dùng, xúc tiến mua bán bằng cách dành cho người mua những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành có quy định một số loại hàng hóa không được khuyến mại.

Mục lục bài viết
  • Những loại hàng hóa không được khuyến mại
  • Các hình thức khuyến mại mới nhất
  • Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại
  • Xử phạt vi phạm khuyến mại như thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư! Công ty tôi chuyên phân phối và bán lẻ các loại rượu nhập. Dịp Tết sắp đến, công ty dự định sẽ giảm giá tất cả các sản phẩm 50% để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, tôi nghe nói rượu là mặt hàng không được khuyến mại. Nay tôi nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi xem rượu có phải là loại hàng hóa không được khuyến mại không?

Những loại hàng hóa không được khuyến mại

Không phải loại hàng hóa nào cũng được khuyến mại, cụ thể, tại Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP có liệt kê những loại hàng hóa không được khuyến mại:

- Rượu: Rượu là loại đồ uống có cồn, không tốt cho sức khỏe và thuộc nhóm hàng hóa hạn chế kinh doanh. Do đó, pháp luật không cho phép doanh nghiệp khuyến mại rượu dưới bất kỳ hình thức nào.

- Xổ số: Hoạt động xố số hiện nay được điều chỉnh cụ thể bởi Thông tư 75/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 112/2014/TT-BTC. Theo đó, Điều 42 nghiêm cấm công ty xổ số kiến thiết không được khuyến mại xổ số dưới tất cả các hình thức.

- Thuốc lá: Tương tự như rượu, doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá không được khuyến mại mặt hàng này. Bởi vì thuốc lá là sản phẩm có chứa chất kích thích, đây cũng là hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định pháp luật.

Những loại hàng hóa không được khuyến mại
Những loại hàng hóa không được khuyến mại

- Sữa thay thế sữa mẹ: Doanh nghiệp kinh doanh sữa dinh dưỡng cho trẻ nhỏ không được khuyến mại sữa theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa không được tổ chức trưng bày sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi tại cơ sở y tế; trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế.

- Thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế: Pháp luật chỉ cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh khuyến mại loại hàng hóa này cho các thương nhân kinh doanh thuốc.

- Hàng hóa bị cấm lưu hành tại Việt Nam;

- Hàng hóa bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật.

Các hình thức khuyến mại mới nhất

Khuyến mại được hiểu là một trong những hoạt động mà doanh nghiệp sử dụng để khuyến khích người tiêu dùng mua hoặc sử dụng các dịch vụ của mình. Tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì có các hình thức khuyến mại sau đây:

- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền (Điều 8 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền (Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Giảm giá: Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (Điều 10 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ (Điều 11 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Tổ chức thi và trao thưởng (Điều 12 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Tổ chức chương trình khuyến mại mang tính may rủi (Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Tổ chức chương trình ưu đãi cho khách hàng thường xuyên (Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP);

- Khuyến mại qua internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin (Điều 15 Nghị định 81/2018/NĐ-CP).

Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

Điều 100 Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019) quy định nghiêm cấm các hành vi sau trong hoạt động khuyến mại:

  • Khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông hoặc cung ứng

  • Sử dụng hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông hoặc cung ứng để khuyến mại

  • Khuyến mại/sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi

  • Khuyến mại/sử dụng thuốc lá, rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại

  • Khuyến mại không trung thực, gây hiểu lầm hoặc lừa dối khách hàng về hàng hoá, dịch vụ

  • Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, gây hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác

  • Thực hiện khuyến mại tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, và cơ sở của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như đơn vị vũ trang nhân dân

  • Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện/thực hiện không đúng

  • Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh

  • Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa/giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa 

các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mạiCác hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

Xử phạt vi phạm khuyến mại như thế nào?

Theo Khoản 3 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì nếu cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại kể trên sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Nếu như cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng.

Ngoài ra còn bị  tịch thu tang vật và bị buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại.

Trên đây là nội dung tư vấn về những loại hàng hóa không được khuyến mại. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những nội dung có liên quan. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X