Ly hôn đơn phương khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng đủ điều kiện được Tòa án cho phép ly hôn đơn phương.
Ly hôn đơn phương là gì?
Hiện nay, pháp luật không có quy định về ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, ly hôn đơn phương được hiểu là ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) như sau:
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Nếu vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Nếu một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Lúc này, Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, ly hôn đơn phương là ly hôn từ một phía, không có sự đồng thuận của cả hai bên vợ chồng.
Nếu như thuận tình ly hôn là việc dân sự, yêu cầu Tòa án công nhận việc ly hôn thì ly hôn đơn phương là một vụ án dân sự mà bên yêu cầu ly hôn là nguyên đơn, bên còn lại là bị đơn. Vì thế, thủ tục ly hôn đơn phương tiến hành như một vụ án dân sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Những trường hợp không được đơn phương ly hôn?
Trước hết, tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 khẳng định, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Đây là trường hợp đầu tiên, chắc chắn người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn đơn phương (ly hôn thuận tình hoặc vợ yêu cầu ly hôn đơn phương vẫn được giải quyết).
Ngoài ra, theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu trên, các trường hợp dưới đây không được yêu cầu đơn phương ly hôn:
- Không có căn cứ, không thể chứng minh được việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặccó các vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng (như nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình...).
- Mặc dù vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng nhưng không làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán - Toà án nhân dân tối cao, Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được được hiểu như sau:
Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
+ Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
+ Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
+ Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
- Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có Tuyên bố mất tích của Tòa án thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.
- Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:
+ Người yêu cầu ly hôn không phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh;
+ Không có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bệnh.
Trên đây là giải đáp về những trường hợp không được đơn phương ly hôn. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Điều kiện để giành quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương như thế nào?