Chế độ thai sản là một trong những chế độ quan trọng khi tham gia bảo hiểm xã hội, song vẫn có những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản dù đã đóng tiền đầy đủ.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản 2023?
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để được hưởng chế độ thai sản thì người lao động phải thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
(1) - Mang thai;
(2) - Sinh con;
(3) - Mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
(4) - Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
(5) - Đặt vòng tránh thai, thực hiện biện pháp triệt sản;
(6) - Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội mà có vợ sinh con.
Trong đó:
- Người lao động thuộc các trường hợp (2), (3) và (4) nêu trên phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Trường hợp người lao động nữ sinh con đã tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà thời gian mang thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
(Đặc biệt: Những người này chấm dứt hợp đồng với bên sử dụng lao động trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản).
Những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản năm 2023?
Dù đã đóng tiền tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng nếu rơi vào một trong những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản sau đây thì người lao động cũng sẽ không được giải quyết chế độ, cụ thể:
Trường hợp 1: Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chế độ thai sản chỉ áp dụng cho người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Cũng tại điều này chỉ ra rằng, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 02 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Như vậy, những người đang tham gia bảo hiểm xã hội dưới hình thức tự nguyện thì không được hưởng chế độ thai sản.
Mới đây nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất để những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có cơ hội được hưởng chế độ thai sản trong Dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội
Cụ thể, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được nhận một lần khoản tiền là 03 triệu đồng/con sinh ra (trợ cấp thai sản).
Dẫu vậy, đề xuất này đang trong quá trình lấy ý kiến, do vậy vẫn cần chờ đợi để Luật sửa đổi mới được thông qua xem; quy định này có được đưa vào áp dụng hay không.
Tham gia bảo hiểm tự nguyện là một trong những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản
Trường hợp 2: Chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Dựa vào nội dung Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có thể thấy: nếu người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tích lũy đủ thời gian đóng thì vẫn sẽ thuộc một trong những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản.
Có thể kể đến:
- Lao động nữ sinh con mà tổng thời gian tích lũy đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng trong thời hạn 12 tháng trước sinh;
- Lao động nữ từng nghỉ dưỡng thai theo yêu cầu của bác sĩ nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 12 tháng;
- Lao động nữ từng nghỉ dưỡng thai theo yêu cầu của bác sĩ đã có từ đủ 12 tháng tham gia bảo hiểm xã hội nhưng trong khoảng thời gian 12 tháng trước sinh thì chưa tích lũy đủ 03 tháng đóng loại bảo hiểm này;
- Người lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước sinh;
- Người nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi chưa có đủ từ 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong vòng 12 tháng trước thời điểm nhận con nuôi.
Ví dụ: Chị A ký hợp đồng chính thức với công ty B từ tháng 03/2022. Tuy nhiên, do bụng nhỏ và không có biểu hiện ốm nghén nên mãi chị mới biết mình có bầu.
Tính đến thời điểm sinh còn vào đầu tháng 8/2022, chị A tích lũy được 05 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong vòng 12 tháng trước sinh. Theo quy định, chị A không được giải quyết chế độ thai sản do chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm.
Những trường hợp được hưởng bảo hiểm thai sản
Căn cứ nội dung Luật bảo hiểm xã hội 2014 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi:
Đi khám thai
Theo Điều 32, người lao động là nữ có quyền nghỉ làm 05 lần (01 ngày/lần) để đi khám thai hưởng chế độ. Nếu ở xa nơi khám, chữa bệnh hoặc mang thai bệnh lý hoặc thai không bình thường thì lao động nữ được nghỉ 02 ngày/lần.
Bị sẩy, nạo - hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Theo nội dung Điều 33 của Luật trên, lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản nếu rơi vào tình trạng này. Thời gian nghỉ sẽ tùy thuộc vào tuổi thai, cụ thể:
- Thai nhi dưới 05 tuần tuổi: Nghỉ 10 ngày;
- Thai nhi từ 05 - 13 tuần tuổi: Nghỉ 20 ngày;
- Thai nhi từ 13 - 25 tuần tuổi: Nghỉ 40 ngày.
- Thai nhi từ 25 tuần tuổi trở lên: Nghỉ 50 ngày.
Những khoảng thời gian nghỉ này vẫn được tính là thời gian làm việc và cũng là cơ sở để tính ngày nghỉ phép hằng năm đối với người lao động.
Lao động nữ sẩy thai được hưởng bảo hiểm thai sản
Tiến hành các biện pháp tránh thai
Theo Điều 37, lao động nữ đặt vòng tránh thai được phép nghỉ 07 ngày; trường hợp người lao động tiến hành triệt sản thì được nghỉ 15 ngày.
Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con
Chế độ thai sản cho chồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con sẽ áp dụng theo Điều 34 và Điều 39 của Luật này, cụ thể:
(1) – Thời gian nghỉ hưởng chế độ
- Vợ sinh thường 01 con: nghỉ 05 ngày làm việc;
- Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi: nghỉ 07 ngày làm việc;
- Vợ sinh đôi: nghỉ 10 ngày làm việc;
- Vợ sinh ba trở lên: nghỉ 10 ngày làm việc + 03 ngày làm việc/mỗi con (Ví dụ: vợ sinh ba thì được nghỉ 13 ngày làm việc, vợ sinh bốn thì được nghỉ 16 ngày làm việc…);
- Vợ sinh đôi mà phải phẫu thuật: nghỉ 14 ngày làm việc.
*Lưu ý:
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của nam giới được tính trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con;
- Thời gian hưởng chế độ thai sản đã tính bao gồm cả lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.
(2) - Tiền thai sản
Theo khoản 1 Điều 39 của Luật này, mức hưởng thai sản của lao động nam có vợ sinh con được tính bằng:
Mức hưởng | = | Số ngày nghỉ | x | 100% Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 06 tháng trước khi nghỉ | : | 24 |
Nếu tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam ít hơn 06 tháng, mức hưởng thai sản lúc này chính là mức bình quân tiền lương tính trên tất cả các đã tham gia đóng bảo hiểm.
Giải đáp thắc mắc về trường hợp không được hưởng thai sản
Mang thai ngoài tử cung được hưởng chế độ thai sản không?
Theo hướng dẫn tại Công văn 2017/BHXH-CSXH ban hành ngày 09/06/2014, lao động nữ mang thai ngoài tử cung thì được giải quyết theo chế độ ốm đau.
Đồng thời, chửa ngoài tử cung được xếp vào Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày tại Thông tư 46/2016 của Bộ Y Tế có hiệu lực từ 01/3/2017, mã bệnh là: O08 (O08.0-O08.9).
Như vậy, có thể khẳng định việc mang thai ngoài tử cung của lao động nữ là tình trạng bệnh lý, do vậy trong trường hợp này sẽ không được giải quyết theo chế độ thai sản mà theo chế độ ốm đau.
Có thai 3 tháng rồi mới đóng bảo hiểm thai sản được không?
Có thai 3 tháng rồi mới đóng bảo hiểm thai sản được không?
Căn cứ quy định tại Điều 2, khoản 1 và 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, có thể thấy:
- Người lao động ký hợp đồng từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có quyền hưởng chế độ thai sản khi đủ điều kiện.
- Lao động nữ đã đóng bảo hiểm bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh được coi là đáp ứng đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản.
Như vậy, lao động nữ có thai 03 tháng rồi mới đóng bảo hiểm thai sản vẫn có thể được giải quyết chế độ nếu đáp ứng được điều kiện về thời gian nêu trên.
Đóng bảo hiểm 6 tháng không liên tục có hưởng thai sản không?
Khoản 2 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ rõ: lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh nở sẽ được hưởng thai sản.
Mặt khác, không có bất kỳ quy định nào yêu cầu người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội liên tục mới được giải quyết chế độ thai sản.
Như vậy có thể nói, lao động nữ chỉ cần tích lũy đủ thời gian tham gia bảo hiểm trong 12 tháng trước sinh là đáp ứng được quy định pháp luật. Việc đóng bảo hiểm 6 tháng không liên tục không ảnh hưởng đến điều kiện hưởng chế độ.
Nghỉ trước sinh 5 tháng có được hưởng thai sản không?
Người lao động đủ điều kiện hưởng thai sản sẽ được nghỉ thai sản trước khi sinh, tuy nhiên theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội chỉ giải quyết chế độ nghỉ thai sản trước sinh cho trường hợp nghỉ tối đa là 02 tháng.
Như vậy, trong trường hợp nghỉ trước sinh 05 tháng thì người lao động chỉ được hưởng chế độ thai sản trong 02 tháng.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu nghỉ trước sinh 05 tháng, người lao động có thể thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng. Khi chọn phương án này, cần đảm bảo rằng trước khi sinh 12 tháng đã đóng ít nhất 06 tháng bảo hiểm xã hội để được giải quyết chế độ thai sản.
>>> Xem tiếp: Cách tính thời gian nghỉ thai sản hiện nay thế nào?
Bầu 2 tháng nghỉ việc có được hưởng thai sản?
Theo điểm đ khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ đang mang bầu được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên sử dụng lao động trong trường hợp tiếp tục làm việc sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi (có xác nhận của bệnh viện).
Đồng thời, khi hết hạn hợp đồng, người lao động đã hoàn thành công việc theo hợp đồng hoặc giữa 02 bên có thỏa thuận chấm dứt thì người lao động cũng có quyền chấm dứt hợp đồng.
Bầu 2 tháng nghỉ việc có được hưởng thai sản?
Căn cứ khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành lao động nữ đang có bầu mà nghỉ việc trước khi sinh con vẫn được hưởng bảo hiểm thai sản nếu đáp ứng đủ điều kiện như sau:
Trường hợp thai bình thường
Đảm bảo đã đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước sinh.
Trường hợp thai yếu, phải nghỉ dưỡng thai theo yêu cầu của bác sĩ
- Lao động nữ đã có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên;
- Trong vòng 12 tháng trước sinh, đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 03 tháng trở lên.
Lúc này, thay vì chuẩn bị tài liệu để đơn vị sử dụng lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì người lao động sẽ phải tự đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú thực hiện thủ tục.
Nghỉ việc 1 năm có được hưởng chế độ thai sản?
Chế độ thai sản là một trong những chế độ cơ bản dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này là:
- Người lao động đang ký hợp đồng với người sử dụng lao động: hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn; hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng – dưới 3 tháng…
- Cán bộ, công chức hoặc viên chức Nhà nước;
- Công nhân quốc phòng, công an hoặc làm công tác khác tại tổ chức cơ yếu;
- Những người công tác hoặc học viên đang theo học ngành công an, quân đội, cơ yếu: Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; học viên đang theo học được hưởng sinh hoạt phí…
- Người quản lý tại hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tiền lương;
- Người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng;
- Người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Ngoài ra, theo Điều 31 Luật này, những đối tượng nêu trên khi sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ít nhất 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh thì mới được giải quyết hưởng thai sản.
Như vậy:
- Người lao động đã nghỉ việc 1 năm không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì người này đang không có hợp đồng lao động. Cho nên, tại thời điểm có thai và chuẩn bị sinh con, người đó sẽ không được hưởng chế độ thai sản.
- Trường hợp người lao động nghỉ việc 1 năm mà đã ký hợp đồng trở lại làm việc muốn được hưởng thai sản thì phải đáp ứng được yêu cầu về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên.
Trên đây là một số nội dung cần biết về những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản theo quy định hiện hành. Nếu còn thắc mắc, xin mời liên hệ 19006192 để được trao đổi, giải đáp chi tiết hơn.