hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 20/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nội dung bảng giá đất gồm những gì? Cách xây dựng bảng giá đất ra sao?

Bảng giá đất được ban hành bởi từng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất. Bảng giá đất bao gồm những nội dung cụ thể nào? Bảng giá đất được xây dựng như thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, gần đây tôi nhận được thông báo về việc nộp tiền thuế sử dụng đất và có quyết định xử phạt trong lĩnh vực đất đai từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo thông tin tôi nhận được, tôi phải đóng tiền thuế sử dụng đất và tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo giá đất được tính theo bảng giá đất của địa phương nơi tôi có đất.

Tôi băn khoăn không rõ bảng giá đất thì bao gồm những nội dung cụ thể nào? Có quy định về giá của các loại đất không? Mong được Luật sư giải đáp chi tiết. Và các địa phương xây dựng bảng giá đất như thế nào?

Chào bạn, với thắc mắc liên quan đến bảng giá đất của bạn, chúng tôi giải đáp cho bạn cụ thể như sau:

Nội dung bảng giá đất được quy định như thế nào?

Căn cứ quy định của pháp luật đất đai, bảng giá đất được xây dựng dựa trên căn cứ khung giá đất được Chính phủ ban hành, phương pháp định giá đất cùng các nguyên tắc cụ thể.

Bảng giá đất là căn cứ quan trọng để tính toán tiền sử dụng đất trong hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; hoặc là căn cứ để tính tiền thuế sử dụng đất, tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai,...

Căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị định 44/2014/NĐ-CP, trong mỗi bảng giá đất tại địa phương sẽ bao gồm giá của những loại đất cụ thể như sau:

a) Bảng giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

b) Bảng giá đất trồng cây lâu năm;

c) Bảng giá đất rừng sản xuất;

d) Bảng giá đất nuôi trồng thủy sản;

đ) Bảng giá đất làm muối;

e) Bảng giá đất ở tại nông thôn;

g) Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;

h) Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;

i) Bảng giá đất ở tại đô thị;

k) Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;

l) Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;

Lưu ý: Ngoài bảng giá của các loại đất nêu trên, các địa phương có thể xây dựng thêm các bảng giá phù hợp với quy định về phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 (nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng). Đồng thời, địa phương nào có khu công nghệ cao thì giá đối với từng loại đất trong khu công nghệ cao cũng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành riêng, chi tiết phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với địa phương đó.

Một số đặc điểm cần chú ý khi nghiên cứu, xem xét giá trong bảng giá đất như sau:

- Bảng giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng theo từng vị trí đất (vị trí 1, vị trí 2, vị trí bám đường, vị trí ven đường quốc lộ,...). Bảng giá đất có thể được xây dựng đến từng thửa đất trong trường hợp địa phương đã có bản đồ địa chính chính quy, có điều kiện về nhân lực, kinh phí xây dựng;

- Loại đất nào thì áp dụng khung giá theo bảng giá tương ứng với loại đất đó. Ví dụ đất trồng cây lâu năm ở vị trí 1 thì áp dụng mức giá theo khung giá của đất trồng cây lâu năm và giá chính xác theo vị trí được phân bổ (vị trí 1);

- Đối với một số loại đất có khả năng sinh lợi cao như đất ở tại đô thị, đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp…thì địa phương được phép quy định mức giá đất cao hơn với mức tối đa là 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất được Chính phủ ban hành.

Trong trường hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cao hơn 30% so với mức giá cao nhất của cùng loại đất trong khung giá đất thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.

- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn với mức tối đa là 50% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất do Chính phủ ban hành đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư hoặc trong địa giới hành chính phường;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá đất rừng sản xuất tại khu vực lân cận đã quy định trong bảng giá đất và căn cứ phương pháp định giá đất để quy định mức giá đất của đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá đất sản xuất, kinh doanh đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh hoặc giá đất ở đối với đất trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp tại khu vực lân cận đã quy định trong bảng giá đất để quy định giá đất của các loại đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất căn cứ giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại khu vực lân cận đã quy định trong bảng giá đất để quy định mức giá đất phi nông nghiệp do cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, đất phi nông nghiệp khác;

- Áp dụng khung giá đất nuôi trồng thủy sản để quy định giá của đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá đất phi nông nghiệp tại khu vực lân cận quy định, quyết định để quy định mức giá của loại đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp định giá đất và giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đã được giao đất, cho thuê đất tại khu vực lân cận để quy định mức giá đất đối với đất chưa sử dụng (áp dụng khi đất chưa sử dụng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất đưa vào sử dụng).

Như vậy, khi sử dụng giá đất trong bảng giá đất để tính toán tiền thuế đất, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì các cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan cần chú ý áp dụng giá của đúng loại đất, đúng vị trí đất.

noi dung bang gia dat


Bảng giá đất được xây dựng ra sao?

Bảng giá đất được xây dựng theo trình tự, thủ tục luật định. Căn cứ Điều 12 Nghị định 44/2014/NĐ-CP, quy trình xây dựng bảng giá đất được tiến hành như sau:

Bước 1: Xác định loại đất, vị trí đất theo từng khu vực cần xây dựng giá: Xã đồng bằng, trung du, miền núi và theo loại đô thị trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh nơi có đất;

Bước 2: Tiến hành điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin các nhóm vấn đề sau: Giá đất thị trường đối với từng loại đất, các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến giá đất, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá của loại đất xây dựng trong bảng giá đất;

Bước 3: Thực hiện phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành (bảng giá đất đang được áp dụng);

Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện xây dựng bảng giá đất và lập tờ trình về việc ban hành bảng giá đất cũng như xử lý giá đất trong bảng giá đất tại khu vực giáp ranh theo quy định tại Điều 13 Nghị định 44/2014/NĐ-CP;

Bước 5: Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất theo quy định pháp luật;

Bước 6: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoàn thiện dự thảo bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất;

Bước 7: Thực hiện thẩm định dự thảo bảng giá đất: Thẩm định bảng giá đất được tiến hành bởi Hội đồng thẩm định theo hồ sơ đề nghị thẩm định, theo trình tự luật định;

Bước 8: Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi ký ban hành;

Bước 9: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định ban hành bảng giá đất sau khi đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thông qua.

Như vậy, bảng giá đất tại nơi có đất được ban hành theo trình tự các bước mà chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về nội dung bảng giá đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Khi nào thực hiện điều chỉnh bảng giá đất?

>> Giá đất cụ thể là gì? Áp dụng giá đất cụ thể cho những trường hợp nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X