hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nộp đơn ly hôn đơn phương ở nơi tạm trú được không?

Ly hôn là lựa chọn cuối cùng khi hôn nhân không thể tiếp tục được nữa. Một trong những vấn đề đặt ra khi đơn phương ly hôn là người vợ/chồng có thể nộp đơn ly hôn đơn phương ở nơi tạm trú được không?

Mục lục bài viết
  • Điều kiện ly hôn đơn phương thế nào?
  • Nộp đơn ly hôn đơn phương ở đâu? Nộp nơi tạm trú được không?
  • Ly hôn đơn phương có cần xin xác nhận của xã không?
Câu hỏi: Xin chào Hieuluat, em lấy chồng được hơn một năm và có bé 5 tháng tuổi. Nhưng trong thời gian quen biết tìm hiểu đến khi cưới chồng em luôn chơi game bài ăn tiền, gây nợ và nhiều lần em khuyên ngăn nhưng không thay đổi còn chửi mắng em thậm tệ. Đến nay em và mẹ ruột đã tha thứ và trả nợ cho chồng em số tiền hơn trăm triệu, nhưng chồng em không thay đổi và thường xuyên cãi nhau .
Nay đã quá sức chịu đựng và em không còn tình cảm để duy trì cuộc hôn nhân khiến em không hạnh phúc nữa. Em muốn ly hôn đơn phương thì phải làm sao ạ, cả hai chưa nhập chung hộ khẩu và em có thể nộp đơn ly hôn đơn phương ở nơi tạm trú được không ạ?

Điều kiện ly hôn đơn phương thế nào?

Ly hôn đơn phương là ly hôn theo yêu cầu của một bên, theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, các đối tượng sau đây được yêu cầu ly hôn đơn phương gồm:

- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn;

- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Tòa án giải quyết cho ly hôn đơn phương khi:

- Có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; hoặc

- Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Căn cứ theo các quy định trên, xét trong trường hợp của bạn, do chồng bạn thường xuyên chơi bời, cờ bạc gây nợ nần sau đó hai bên xảy ra cãi vã trong một thời gian dài, bởi vậy điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hôn nhân, làm cho đời sống chung không thể kéo dài nên bạn có thể làm đơn ly hôn đơn phương để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Nộp đơn ly hôn đơn phương ở nơi tạm trú được không? (Ảnh minh họa)


Nộp đơn ly hôn đơn phương ở đâu? Nộp nơi tạm trú được không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn là:

"a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định…

Mặt khác, theo quy định tại Điều 11 Luật Cư trú 2020, nơi cứ trú của công dân gồm nơi thường trú và nơi tạm trú.

Như vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi chồng bạn thường trú/tạm trú để giải quyết ly hôn đơn phương. Hồ sơ ly hôn đơn phương gồm:

Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu);

- Đăng ký kết hôn (bản chính), có thể nộp bản sao;

- Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… của vợ và chồng; sổ hộ khẩu của gia đình;

- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn).

 

Ly hôn đơn phương có cần xin xác nhận của xã không?

Theo Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về căn cứ hòa giải như sau:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, tại Điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu rõ:

“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc. Do đó, không một Tòa án nào có quyền từ chối thụ lý đơn yêu cầu ly hôn chỉ vì lý do các bên đương sự (vợ, chồng) không cung cấp biên bản hòa giải ở cơ sở khi nộp đơn.

Trên đây là giải đáp về Nộp đơn ly hôn đơn phương ở nơi tạm trú. Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X