Phạm tội chưa đạt có thể được phân chia thành phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Việc xử lý tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt được Bộ luật Hình sự 2015 quy định rất rõ.
Phạm tội chưa đạt có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Bạn tôi đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở trường hợp phạm tôi chưa đạt. Vậy trong trường hợp này bạn tội phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào? Xin cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Theo đó, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015, việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:
- Hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.Như vậy, các căn cứ để quyết định hình phạt cho trường hợp phạm tội chưa đạt bao gồm:
+ Hình phạt được quy định tại các tội danh cụ thể;
+ Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi;
+ Mức độ thực hiện ý định phạm tội: Xem xét mức độ phạm tội chưa đạt ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành hay chưa đạt đã hoàn thành;
+ Những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng hành vi phạm tội: Các tình tiết này dựa trên hồ sơ vụ án.
- Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Có thể thấy, ở trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội phải chịu mức hình phạt thấp hơn so với trường hợp người phạm tội đã hoàn thành việc thực hiện tội phạm.- Riêng trường hợp người phạm tội chưa đạt là người dưới 18 tuổi thì quyết định áp dụng mức phạt được quy định cụ thể tại Điều 99, Điều 100, Điều 101 và khoản 1, khoản 3 Điều 102 Bộ luật Hình sự 2015:
1. Tòa án quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 của Bộ luật này.
...
3. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật này.
Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.
Cụ thể như sau:
+ Hình phạt tiền đối với người phạm tội chưa đạt từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là không quá 1/4 mức tiền phạt mà điều luật quy định (áp dụng trong trường hợp hình phạt tiền là hình phạt chính và chỉ áp dụng khi người phạm tội ở độ tuổi này có tài sản riêng hoặc có thu nhập). Đối với người dưới 16 tuổi, điều luật không quy định hình phạt chính là phạt tiền;
+ Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng trong trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Người phạm tội chưa đạt là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức phạt tù là không quá 1/6 mức phạt điều luật quy định, còn mức phạt này đổi với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là không quá 1/4 mức phạt mà điều luật quy định.
+ Đối với hình phạt được áp dụng là hình phạt tù/tử hình:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt có thể bị áp dụng mức hình phạt là không quá 04 năm tù (áp dụng khi điều luật quy định mức hình phạt là chung thân hoặc tử hình), và không quá 1/6 mức phạt mà điều luật quy định hình phạt là tù có thời hạn;
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt thì mức phạt tù cao nhất có thể là không quá 09 năm (áp dụng khi điều luật quy định mức hình phạt là chung thân hoặc tử hình), và không quá 3/8 mức phạt tù mà điều luật quy định (áp dụng khi điều luật quy định hình phạt là tù có thời hạn).
Như vậy, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Nhìn chung, mức phạt sẽ thấp hơn so với trường hợp người phạm tội đã thực hiện hoàn thành tội phạm. Mức phạt cụ thể được quy định khác nhau cho từng độ tuổi của người phạm tội.
Kết luận: Do bạn chưa cung cấp cho chúng tôi thông tin về độ tuổi, loại tội danh mà bạn của bạn đang bị truy cứu trách nhiệm nên dựa trên các thông tin mà chúng tôi giải đáp trên đây, bạn có thể đối chiếu với tình huống của bạn mình để có đáp án phù hợp.
Phạm tội chưa đạt được phân loại như thế nào?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Phạm tội chưa đạt có thể được phân loại như thế nào? Có thể cho tôi ví dụ cụ thể được không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của bạn như sau:
Trước hết, phạm tội chưa đạt là việc người phạm tội cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015). Đồng thời, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chưa đạt.
Đặc điểm đặc trưng của phạm tội chưa đạt là:
- Người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội;- Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội;
- Người phạm tội không thể thực hiện hành vi phạm tội đến cùng (tức không thể hoàn thành tội phạm) do các nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn;
Dưới góc độ khoa học pháp lý, phạm tội chưa đạt có thể bao gồm phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Cụ thể như sau:
Tiêu chí/Phân loại | Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành | Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành |
Hành vi thực hiện | Người phạm tội đã không thực hiện được hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để thực hiện hành vi phạm tội do các yếu tố khách quan, ngoài ý muốn | Người phạm tội đã thực hiện được hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để thực hiện hành vi phạm tội của mình để gây hậu quả, không bị ngăn cản trong quá trình thực hiện hành vi |
Nguyên nhân khiến hậu quả không diễn ra | Hậu quả không diễn ra do trong quá trình thực hiện các hành vi phạm tội, người phạm tội đã chịu các tác động ngoại cảnh, ngoài ý muốn dẫn đến không thể thực hiện được hết các hành vi phạm tội | Sau khi người phạm tội thực hiện toàn bộ hành vi mà họ cho là cần thiết để phạm tội thì có các yếu tố khách quan, ngoài ý muốn tác động khiến hậu quả không thể diễn ra theo ý chí của người phạm tội |
Ví dụ | A muốn giết B bằng súng tự chế, nhưng khi chưa kịp nổ súng thì A đã bị công an phát hiện, bắt giữ. => Ý muốn thực hiện tội phạm của A vẫn giữ nguyên nhưng do nguyên nhân khách quan mà A không lường trước được dẫn đến A không thực hiện được tội phạm. | C muốn phá hủy công trình của Nhà nước do có mâu thuẫn với các cán bộ địa phương. Do đó, C đã dùng mìn tự chế đặt nổ xung quanh trạm bơm thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân xã. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong hành vi đặt mìn, C kích hoạt kíp nổ cho nổ thì mìn không nổ do bộ phận hẹ giờ của mình bị hỏng. => C đã thực hiện hết các hành vi để phá hủy công trình bằng mìn tự chế. Tuy nhiên, mìn không nổ là do bộ phận hẹn giờ hỏng, việc này diễn ra không phải là ý muốn của C. |
Kết luận: Phạm tội chưa đạt thường có thể được phân loại thành phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Việc phân biệt phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành như chúng tôi đã trình bày ở trên.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về phạm tội chưa đạt, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.>> Trường hợp nào được miễn trách nhiệm hình sự?
>> Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội thế nào?