hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 04/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu như thế nào?

Phạm tội có tính chất côn đồ thường xuất hiện nhiều trong tội phạm xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mục lục bài viết
  • Phạm tội có tính chất côn đồ là gì?
  • Phạm tội có tính chất côn đồ phải chịu mức phạt thế nào?
  • Phạm tội giết người có tính chất côn đồ bị phạt bao nhiêu năm tù?

Phạm tội có tính chất côn đồ là gì?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, bạn tôi vừa bị khởi tố với tội danh cố ý gây thương tích và thuộc trường hợp có tính chất côn đồ. Tôi thắc mắc vậy phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu như thế nào? Xin cảm ơn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Phạm tội có tính chất côn đồ là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời, phạm tội có tính chất côn đồ trong một số tội danh cụ thể là một tình tiết định khung/định khung tăng nặng (ví dụ như tội giết người quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại điểm I khoản 1 Điều 134).

Theo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của Tòa án nhân dân tối cao và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sang dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Đây là một văn bản hướng dẫn khá lâu của ngành Tòa án, hiện tại chưa có văn bản nào thay thế hay bổ sung hay hướng dẫn chi tiết hơn cho văn bản này.

Hiện nay cũng chưa có văn bản cụ thể nào mô tả chi tiết hay hướng dẫn về phạm tội có tính chất côn đồ. Côn đồ là từ dùng để miêu tả một hoặc một nhóm người có những đặc điểm đặc trưng (như coi thường pháp luật, thường gây rối trật tự công cộng, hung hãn, sẵn sàng hành hung người khác...), còn phạm tội có tính chất côn đồ lại là hành vi của người phạm tội (hành vi của một con người cụ thể).

Và vì vậy, không thể coi những đặc điểm đặc trưng của côn đồ là những đặc điểm nhận biết người phạm tội có tính chất côn đồ trong pháp luật hình sự. ​Thực tiễn xét xử các vụ án cho thấy một số đặc điểm có thể được dùng để nhận định tính chất côn đồ của người phạm tội bao gồm như sau:

- Một là, tính chất côn đồ xuất hiện trong các tội danh xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc Điều 134 Tội giết người).

Tính chất côn đồ được thể hiện thông qua hành vi của người phạm tội (hung hãn, sẵn sàng thực hiện các hành vi chém giết hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà không cần lý do, chèn ép, dọa nạt nạn nhân khi thực hiện hành vi...), qua hung khí/vũ khí mà người phạm tội sử dụng (dùng dao, kiếm, mã tấu, phớ...hoặc các vật dễ gây ra các vết thương sâu, nặng khác như súng, vật nhọn, gạch đá lớn...). Khi thực hiện hành vi có tính chất côn đồ, người phạm tội thường hướng tới các vùng trọng yếu, dễ gây tổn thương lớn trên cơ thể như đầu, mặt, bụng... hoặc vùng có thể dẫn đến mất máu nhiều như vùng đùi phía trong, vùng gần tim, phổi,.... Do đó, hậu quả để lại cho nạn nhân có thể là cái chết hoặc tổn hại lớn về mặt sức khỏe.

- Hai là, người phạm tội có tính chất côn đồ thường là những người coi thường pháp luật, có thể đã từng nhiều lần gây rối trật tự công cộng.

Những người phạm tội này có thể là người thường xuyên có xích mích với những người xung quanh hay là người mắc các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma túy, rượu chè vô độ...), người không có việc làm/không có thu nhập hoặc có việc làm nhưng là những công việc mang tính chất phi pháp (đòi nợ thuê trái quy định pháp luật,...), hoặc cũng có trường hợp là những người chưa thành niên nhưng không được giáo dục/nhận thức đầy đủ... Đối tượng phạm tội rất đa dạng về độ tuổi, ngành nghề, tính cách nhưng đặc điểm chung của những người này là trình độ nhận thức không cao, ý thức chấp hành pháp luật thấp.

- Ba là, nguyên nhân dẫn đến hành vi có tính chất côn đồ của người phạm tội.

Nguyên nhân để người phạm tội thực hiện hành vi mang tính chất côn đồ rất đa dạng: Có thể xuất phát từ chính tính cách, bản chất là người hay gây sự, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác; hoặc có thể là do mâu thuẫn đã có từ trước/mâu thuẫn mới phát sinh (ví dụ mâu thuẫn trong làm ăn kinh doanh, xô xát đơn giản như trong vụ việc va chạm giao thông); cũng có thể là do sự kích thích, kích động từ người khác (bạn bè, đàn em, người cùng hội...)... Nguyên nhân dẫn đến hành vi mang tính chất côn đồ có thể rất nhỏ nhặt, không cần thiết phải sử dụng vũ lực. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội có tính chất côn đồ cũng là một trong những căn cứ để xác định mức độ nguy hiểm của tội phạm, mức phạt cụ thể cho người phạm tội.

- Bốn là, nhân thân người phạm tội.

Đây là yếu tố dùng làm căn cứ xác định rất nhiều tình tiết của vụ án. Khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thực hiện xem xét đến lý lịch, danh bản, chỉ bản của người phạm tội, các yếu tố về tiền án, tiền sự, ý thức chấp hành pháp luật/quy định tại nơi học tập, làm việc, ý thức/hành vi cụ thể của người phạm tội sau khi thực hiện tội phạm (có tự nguyện bồi thường cho bị hại không, việc chấp hành lệnh triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng, mức độ thành khẩn trong khai báo, mức độ ăn năn hối cải...)...

Việc xem xét về nhân thân người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xác định sự thật của vụ án. Thường đối tượng có các hành vi côn đồ là những người có nhân thân không tốt, có thể đã từng vi phạm pháp luật hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Năm là, các tình tiết khác của vụ án.

Tình tiết khác của vụ án như: Sự chuẩn bị phương tiện, công cụ, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, mục đích thực hiện hành vi phạm tội; Các yếu tố khách quan, ngoại cảnh tác động đến hành vi của người phạm tội; Có ý định thực hiện một mình hay có sự rủ rê, lôi kéo nhiều người thực hiện hành vi; Mức độ ảnh hưởng của hành vi đối với xã hội; Mức độ hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người phạm tội (muốn tước đoạt tính mạng người phạm tội hay muốn cảnh cáo, gây tổn thương sức khỏe của người phạm tội...); Có nhận được sự đe dọa, kích thích nào khi thực hiện hành vi hay không?; Có hay không sự yêu cầu nạn nhân phải khuất phục/chịu sự điều khiển của người phạm tội hay tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân không?...

Xác định toàn diện các vấn đề xoay quanh người phạm tội và tội phạm là điều rất quan trọng để định tội danh và áp dụng mức phạt chính xác, đúng người, đúng tội.

Ví dụ: Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, mức độ tổn hại sức khỏe là 12%. Đối tượng thực hiện có nhiều hành vi côn đồ (ví dụ: Hành vi cố ý gây thương tích xuất phát những tranh cãi, đôi co về những vấn đề nhỏ nhặt, nguyên nhân dẫn đến hành động côn đồ một phần là do bị hại có nhiều lời lẽ mang tính khiêu khích,…). Tuy nhiên, đây là hành vi phạm tội của người từ đủ 16 tuổi dưới 18 tuổi, phạm tội lần đầu tiên. Nếu áp dụng tình tiết có tính chất côn đồ là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng hình phạt tù thì cũng chưa hợp lý. Do đó, khi áp dụng mức phạt cụ thể, cần xem xét vấn đề phạm tội dưới góc độ toàn diện, dựa theo những tài liệu, chứng cứ có trong vụ án.

Kết luận: Phạm tội có tính chất côn đồ là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự. Đó cũng là tình tiết định khung/định khung tăng nặng của tội phạm trong một số tội danh cụ thể được quy định tại Bộ luật Hình sự. Việc nhận định chính xác người phạm tội có tính chất côn đồ hay không cần xem xét toàn diện, căn cứ cụ thể vào hồ sơ, chứng cứ, tài liệu có trong vụ án.

pham toi co tinh chat con do

Phạm tội có tính chất côn đồ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)
 

Phạm tội có tính chất côn đồ phải chịu mức phạt thế nào?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Bạn tôi 23 tuổi, là công nhân của một xưởng cơ khí. Mới đây, bạn tôi bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cố ý gây thương tích trong trường hợp có tính chất côn đồ do có ẩu đả với một người khác cùng nơi ở. Vậy HieuLuat cho tôi hỏi phạm tội có tính chất côn đồ thì bị xử phạt với mức án bao nhiêu? Xin cảm ơn.

HieuLuat cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Dựa theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận định rằng, bạn của bạn đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 và tình tiết có tính chất côn đồ là một tình tiết định khung hình phạt đối với người phạm tội/ hoặc cũng có thể đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức hình phạt được áp dụng đối với tội danh này là:

- Cải tạo không giam giữ đến 03 năm;

- Hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Để xác định mức hình phạt cụ thể, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố được quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

- Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Tại đây tòa án cân nhắc cụ thể đển tội danh được mô tả trong Bộ luật Hình sự 2015 mà người phạm tội đang bị truy cứu; Có hay không tình tiết định khung hình phạt,…

- Nhân thân người phạm tội: Như tiền án, tiền sự người phạm tội, độ tuổi, trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình/bản thân người phạm tội,…

- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự: Có tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì đó là những tình tiết nào? Có bao nhiêu tình tiết?…

- Ngoài ra, các chứng cứ, tài liệu có trong vụ án và diễn biến cụ thể của vụ án là những căn cứ trực tiếp nhất để định đoạt tội danh.

Do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đầy đủ, nên chúng tôi chưa thể giải đáp cụ thể cho bạn về mức phạt mà bạn của bạn bị áp dụng. Tuy nhiên, dựa trên các giải đáp nêu trên, đối chiếu với trường hợp của mình, bạn có thể lựa chọn đáp án phù hợp.

Kết luận: Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người phạm tội có thể phải chịu mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Việc áp dụng mức phạt cuối cùng sẽ do Tòa án có thẩm quyền quyết định dựa trên hồ sơ vụ án và quy định pháp luật.
 

Phạm tội giết người có tính chất côn đồ bị phạt bao nhiêu năm tù?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, bạn tôi vừa bị khởi tố với tội danh giết người trong trường hợp có tính chất côn đồ. Mong HieuLuat giải đáp cho tôi được biết người phạm tội giết người có tính chất côn đồ bị chịu mức án phạt là bao nhiêu năm tù? Xin cảm ơn.

Chào bạn, HieuLuat đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng, bạn của bạn đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh giết người được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ trong trường hợp này được hiểu là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Căn cứ khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt áp dụng cho tội danh mà bạn của bạn thực hiện như sau:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

n) Có tính chất côn đồ;

Theo đó, mức phạt đối với hành vi phạm tội này là:

- Tù từ 12 năm tới 20 năm;

- Hoặc tù chung thân;

- Hoặc tử hình.

Việc áp dụng mức phạt cụ thể được Tòa án nhân dân căn cứ theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

- Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Căn cứ trực tiếp vào mức phạt cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự 2015; Các yếu tố cấu thành tội giết người (hành vi, hậu quả, mục đích, lỗi...).

- Nhân thân người phạm tội: Tòa án căn cứ vào các lý lịch người phạm tội, tiền án, tiền sự, sự chấp hành pháp luật của người phạm tội, mức độ ăn năn/hối cải của người phạm tội...

- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự: Người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng trách nhiệm hình sự không? Có bao nhiêu tình tiết,...

- Ngoài ra, căn cứ trực tiếp vào hồ sơ vụ án, các tình tiết khác của vụ án như: Có yếu tố khách quan nào tác động đến người phạm tội không? Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội; Công cụ, phương tiện, thời gian, không gian phạm tội,...

Kết luận: Căn cứ vào mức phạt cụ thể được quy định trong tội giết người (tù từ 12 năm tới 20 năm, chung thân hoặc tử hình), căn cứ vào các yếu tố quyết định mức phạt tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 được chúng tôi giải đáp ở trên và trực tiếp là hồ sơ vụ án, Tòa án sẽ ra quyết định cuối cùng phù hợp với tội danh. Do chưa có đầy đủ các thông tin nên dựa trên những giải đáp mà chúng tôi đã nêu trên, bạn lựa chọn đáp án phù hợp với mình.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về phạm tội có tính chất côn đồ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi bị xử lý thế nào?

>>  Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần chịu kích động bị phạt thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X