hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 14/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phạm tội giúp người khác tự sát, hiểu thế nào mới đúng?

Hiện nay, phạm tội giúp người khác tự sát có nhiều cách hiểu lầm nghiêm trọng. Phạm tội giúp người khác tự sát hiểu thế nào mới đúng?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi cấu thành tội phạm xúi giục người khác tự sát gồm những gì? Người tự sát có phạm tội không?

Cấu thành tội phạm tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát

Điều 131 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;

b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.

2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Theo đó, cấu thành tội phạm đối với tội này như sau:

- Hành vi khách quan: Có một trong các hành vi kích động người  khác tự sát, dụ dỗ, lừa dối để người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát. Trong đó:

+ Kích động người khác tự sát là việc người phạm tội có những lời lẽ tác động tâm lý làm cho nạn nhân tiêu cực cao độ mà tự sát.

Ví dụ: Chị A đang chán đời vì chồng chị ngoại tình và muốn ly hôn với chị. B là một người vốn ghen ghét chị A nhưng luôn tỏ ra quý mến do chị A là sếp của B. B nói: "Em mà như chị thì em chẳng sống làm gì cho khổ, sống khổ như vậy thì m thà chết cho xong". Đang chán đời, lại nghe B nói như vậy chị A đã treo cổ tự tử.

+ Dụ dỗ người khác tự sát: là có những lời lẽ khuyên bảo một cách khéo léo để làm cho người khác tự sát theo ý muốn của mình, nhằm thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tự sát.

Ví dụ: Khi A đang chán đời do công việc không suôn sẻ, phải đền hợp đồng mất nhiều tiền, mang nợ về cho gia đình thì B (vốn ghét A) nói với A rằng bây giờ nếu em chết thì gia đình em cũng không bị bên đòi nợ làm phiền, cũng không phải trả nợ cho em. Nghe lời, A nhảy sông tự sát.

+ Thúc đẩy để người khác tự sát là dùng lời nói khuyên bảo một cách tình cảm, khéo léo hoặc mở ra một viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn khiến cho người đó tự sát.

Ví dụ: T bị người yêu ruồng bỏ trong khi đã có thai. Do buồn chán và tiêu cực nên T đã tìm đến H là đồng nghiệp để tâm sự. Do nghĩ là T trong công việc luôn trù dập mình, lại có thù hằn cá nhân với bố mẹ T nên muốn T tự sát đã nhiều lần nói rằng: “ở trần tục là bể khổ, khi chết được lên thiên đường thì cuộc sống sẽ sung sướng hạnh phúc và có thể lấy người mình yêu”. Nghe theo H mà T đã tự sát.

+ Giúp người khác tự sát là hành vi tạo các điều kiện vật chất, tinh thần để cho một người dễ dàng tự sát như: cung cấp thuốc độc, dây treo cổ, cho mượn dao, súng, chỉ dẫn cách thức tự sát…

Ví dụ: A biết B có ý định tự sát và A cũng muốn B tự sát. B nhờ A đi mua hộ thuốc ngủ. A đã chạy đến hiệu thuốc, gom mua cho B 20 viên thuốc ngủ. B uống hết nên đã tử vong.

Cũng cần lưu ý rằng, các hành vi nêu trên chỉ có tính bổ trợ cho ý định tự sát trước đó của nạn nhân nhưng có tác dụng giúp cho nạn nhân đi đến quyết định tự sát mà nếu thiếu sự thúc đẩy hoặc sự giúp đỡ đó không hẳn nạn nhân đã tự sát.

Tội phạm được coi hoàn thành từ thời điểm nạn nhân có hành vi tự sát. Việc nạn nhân tự sát nhưng không chết do được phát hiện ngăn chặn, cấp cứu kịp thời chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.

- Chủ thể của tội phạm: Bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người thực hiện hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát hoàn toàn có đủ nhận thức để nhìn thấy trước hậu quả nạn nhân sẽ tự tử, nhưng người phạm tội hoàn toàn mong muốn hậu quả nạn nhân tử vong hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả đó xảy ra.

- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác.

Ngoài ra, cần xác định rõ, nếu hành vi trợ giúp lại có tính quyết định cái chết của nạn nhân thì người đó không phạm tội giúp người khác tự sát mà phạm tội giết người.

Ví dụ, A mượn súng của B để tự sát, A tự bắn vào đầu khiến mình tử vong, trường hợp này B là người giúp A tự sát. Nếu A mượn súng của B nhưng A lại không biết hoặc không dám nổ súng, B nổ súng hộ A, dù hành vi tự sát là mong muốn của A thì B vẫn phạm tội giết người.

pham toi giup nguoi khac tu sat

Tự sát có phạm tội không?

Điều 19 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định:

“Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”

Hiện nay, quy định duy nhất cho phép tước đi mạng sống của một người là hình phạt tử hình theo quy định của pháp luật hình sự, áp dụng với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà Nhà nước cảm thấy cần loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.

Như vậy, có thể thấy, hành vi tự sát có dấu hiệu đi ngược lại với Hiến pháp và trái luật. Tuy nhiên, hiện tại, không có bất kỳ văn bản nào quy định về việc cấm một người tự sát và vì vậy cũng không có biện pháp xử lý nào dành cho hành vi này.

Vì thế, theo quy định hiện hành, tự sát không phạm tội.

Trên đây là giải đáp các thắc mắc về phạm tội giúp người khác tự sát. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X