hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 31/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi bị xử lý thế nào?

Người dưới 16 tuổi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể. Mức phạt áp dụng đối với người dưới 16 tuổi cũng nhẹ hơn so với điều luật quy định.

Mục lục bài viết
  • Phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
  • Người dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội nào?
  • Khi xét xử người dưới 16 tuổi phải đáp ứng nguyên tắc gì?

Phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Phạm tội giết người khi chưa đủ 16 tuổi thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu phải chịu trách nhiệm hình sự thì mức phạt được quy định như thế nào?

HieuLuat xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và thuộc một số tội danh cụ thể. Pháp luật không quy định người dưới 14 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Tội giết người tùy thuộc vào khung hình phạt bị truy cứu mà được coi là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt ngiêm trọng (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015).

Do vậy, phạm tội giết người khi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm, còn phạm tội giết người khi chưa đủ 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật hình sự quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, mức phạt được áp dụng đối với những đối tượng này là nhẹ hơn so với quy định về mức phạt tại điều luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 99, Điều 100, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới dưới 16 tuổi phạm tội như sau:

- Các hình phạt được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội bao gồm: Cảnh cáo; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội;

- Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng;

- Hình phạt tù áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội:

+ Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù;

+ Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giết người thì có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là không quá 12 năm tù (nếu trường hợp bị áp dụng mức chung thân, tử hình cho tội phạm), hoặc không quá 10 năm trong trường hợp bị áp dụng tù có thời hạn. Do bạn chưa cung cấp đủ thông tin cho chúng tôi về độ tuổi cụ thể của người phạm tội, quyết định khởi tố,…nên dựa theo những giải đáp của chúng tôi đã nêu trên đây, bạn có thể đối chiếu để có đáp án phù hợp cho mình.

Kết luận: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giết người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm. Mức phạt tù được áp dụng khi người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là nhẹ hơn so với mức phạt mà điều luật quy định.

pham toi khi chua du 16 tuoi

Phòng xử án đối với người người 16 tuổi phạm tội là phòng xử án thân thiện (Ảnh minh họa)

Người dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu quy định về người phạm tội là người dưới 16 tuổi. Tôi muốn hỏi: Người dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội danh cụ thể nào? Xin cảm ơn

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận được câu hỏi của bạn. Dựa theo quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này

Theo đó, người phạm tội mà chưa đủ 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự hay không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng (là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù), đặc biệt nghiêm trọng (là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) ở một số tội danh được Bộ luật Hình sự 2015 liệt kê cụ thể. Chi tiết các tội danh đó như sau:

- Tội giết người (khoản 1, 2 Điều 123); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (khoản 3, 4, 5 Điều 134); Tội hiếp dâm (khoản 2, 3, 4 Điều 141); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (khoản 2, 3, 4 Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151),

- Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (khoản 2, 3, 4 Điều 170); Tội cướp giật tài sản (khoản 2, 3, 4 Điều 171), Tội trộm cắp tài sản (khoản 2, 3, 4 Điều 173); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 2, 3, 4 Điều 178);

- Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và Tội chiếm đoạt chất ma túy (khoản 2, 3, 4 Điều 252); Tội tổ chức đua xe trái phép (khoản 2, 3, 4 Điều 265); Tội đua xe trái phép (khoản 2, 3, 4 Điều 266);

- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (khoản 2, 3 Điều 286); Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (khoản 2, 3 Điều 287); Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 2, 3 Điều 289); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (khoản 2, 3, 4 Điều 290);

-Tội khủng bố (khoản 1, 2, 3 Điều 299); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 1, 2 Điều 303); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304)

Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 28 tội danh của Bộ luật Hình sự 2015 như chúng tôi đã nêu trên.

Khi xét xử người dưới 16 tuổi phải đáp ứng nguyên tắc gì?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Tôi có tìm hiểu và được biết trong quá trình xét xử và xử lý người dưới 16 tuổi phạm tội có một số những nguyên tắc cần phải tuân thủ, nhưng tôi chưa kịp tìm hiểu chi tiết. Mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi nguyên tắc xử lý người dưới 16 tuổi phạm tội và các vấn đề phải tuân thủ khi Tòa án xét xử người dưới 16 tuổi phạm tội là gì? Chân thành cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận toàn bộ câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Trước hết, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tại một số điều luật cụ thể của Bộ luật Hình sự 2015 (các điều đó là Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304) (khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015). Do đó, người dưới 14 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với một số tội phạm nhất định.

Các nguyên tắc, yêu cầu buộc phải tuân thủ khi giải quyết vụ án hình sự mà người phạm tội là người dưới 16 tuổi bao gồm các nội dung dưới đây:

Thứ nhất, nguyên tắc xử lý người dưới 16 tuổi phạm tội

Theo Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, khi xử lý người dưới 16 tuổi phạm tội cần phải đảm bảo các nguyên tắc chung sau:

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự 2015) nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây:

+ Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015);

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015 (điều khoản quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự), trừ tội phạm quy định tại các Điều 123 (Tội giết người), Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 141 (Tội hiếp dâm), Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), Điều 150 (Tội mua bán người), Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi), Điều 168 (Tội cướp tài sản),  Điều 171 (Tội cướp giật tài sản), Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy) và Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật Hình sự 2015. Hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 16 tuổi chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết, và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm;

- Khi xét xử, Tòa án chỉ thực hiện áp dụng hình phạt nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự 2015 (ví dụ: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Khiển trách…) hoặc các biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không thể bảo đảm phòng ngừa, giáo dục tội phạm;

- Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 16 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa;

- Hình phạt tù có thời hạn được áp dụng đối với người dưới 16 tuổi phạm tội phải nhẹ hơn so với điều luật quy định, không áp dụng hình phạt chung thân hoặc tử hình đối với đối tượng này. Cụ thể, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Đồng thời, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội dưới 16 tuổi;

- Án đã tuyên đối với người dưới 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Đây là những nguyên tắc xử lý chung được áp dụng đối với người dưới 16 tuổi phạm tội.

Thứ hai, một số yêu cầu phải tuân thủ khi xét xử người phạm tội dưới 16 tuổi

Căn cứ Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, một số yêu cầu phải thực hiện khi xét xử người dưới 16 tuổi phạm tội như sau:

- Phòng xử án phải được bố trí thân thiện theo quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người phạm tội. Thẩm phán mặc trang phục hành chính của Tòa án và không mặc áo choàng;

- Khi xét xử vụ án, người đại diện của người dưới 16 tuổi phạm tội và đại diện của trường học nơi người phạm tội đang học tập là những người bắt buộc phải có mặt tại phòng xét xử của Tòa án;

- Đối với những vụ án có yêu cầu của người dưới 16 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 16 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định. Không xét xử lưu động khi có người phạm tội là người dưới 16 tuổi;

- Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 16 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ;

- Tòa án thực hiện chỉ định người bào chữa cho người dưới 16 tuổi phạm tội trong trường hợp người phạm tội hoặc người thân thích/người đại diện của họ không mời người bào chữa;

- Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án, phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 16 tuổi;

- Khi xét xử cùng một lần người dưới 16 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật hình sự;

Trên đây là một số quy định/yêu cầu chung khi truy tố, xét xử người phạm tội dưới 16 tuổi.

Kết luận: Khi xử lý người phạm tội dưới 16 tuổi cần phải tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, nếu còn thắc mắc, vui lòng  19006199 để được hỗ trợ.

>> Có phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội chưa đạt không?

>> Phạm tội 2 lần có được hưởng án treo không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X