Hiện nay, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để người hết hạn tù có thể hòa nhập với cộng đồng theo hướng nhanh chóng, tích cực. Thế nhưng có nhiều người sau khi ra tù, chưa được xóa án tích đã lại phạm tội mới. Vậy việc xử lý đối với trường hợp này thế nào?
Chưa được xóa án tích, phạm tội mới xử lý thế nào?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Bạn tôi vừa hết hạn tù, vẫn đang chờ đủ thời hạn để được xóa án tích. Thế nhưng cách đây mấy hôm, bạn tôi lại bị khởi tố với tội danh trộm cắp tài sản. Vậy Luật sư cho tôi hỏi: Khi chưa được xóa án tích mà bạn tôi lại phạm tội mới thì bị xử lý thế nào?
Căn cứ Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015, người nào chưa được xóa án tích mà lại phạm một tội mới thì bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Cụ thể như sau:
- Tái phạm là khi người bị kết án chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý thì được coi là tái phạm;
- Tái phạm nguy hiểm là:
+ Người bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;+ Hoặc người bị kết án đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Do chưa có thông tin về tội phạm mà bạn của bạn bị truy cứu trước đây nên chúng tôi chưa thể kết luận được hành vi phạm tội trộm cắp của bạn bạn là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.Việc tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Tình tiết tăng nặng là căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định mức hình phạt cho tội danh trộm cắp mà bạn của bạn vừa bị khởi tố (khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015).
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, bạn của bạn sẽ không được hưởng án treo (một biện pháp thay thế cho án phạt tù mà người phạm tội có mức phạt tù dưới 03 năm, nhân thân tốt, nhiều tình tiết giảm nhẹ) mặc dù đã đáp ứng đầy đủ điều kiện.
Bạn của bạn cũng không bị tổng hợp hình phạt của hai tội danh: Tội danh chưa được xóa án tích và tội trộm cắp tài sản mới bị khởi tố khi Tòa án xét xử tội danh trộm cắp tài sản (Điều 55, Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015).Vì vậy, khi bạn của bạn chưa được xóa án tích mà phạm tội mới thì được coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Đây là một trong số những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và là căn cứ để Tòa án quyết định mức phạt cuối cùng cho bạn của bạn.
Các tội không được xóa án tích gồm những tội gì?
Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi muốn được giải đáp vấn đề sau đây: Theo quy định pháp luật hiện hành những tội nào không được xóa án tích? Xin cảm ơn đã giải đáp.
HieuLuat chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Án tích có thể được hiểu là hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải chịu khi bị kết án về một tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự. Người được xóa án tích thì coi như chưa phạm tội.Hiện nay pháp luật không quy định về các tội không được xóa án tích mà chỉ quy định về các trường hợp được đương nhiên xóa án tích, các trường hợp được xóa án tích theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể:
Đương nhiên được xóa án tích
Căn cứ khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án thỏa mãn các điều kiện sau đây:- Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (các tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia như tội phản bội tổ quốc, tội gián điệp…) và Chương XXVI (các tội phạm về phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh như tội chống loài người…);
- Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt (bao gồm cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung), quyết định khác của bản án (nếu có) mà không phạm tội mới trong khoảng thời gian dưới đây:+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Như vậy, đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với những người bị kết án thỏa mãn các điều kiện nêu trên. Khi người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích thì không cần phải thực hiện thủ tục nào khác kể từ khi chấp hành xong hình phạt, mà lúc này cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tự cập nhật thông tin, dữ liệu về lý lịch tư pháp của họ (khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015).
Xóa án tích theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền
Căn cứ Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với những người bị kết án thỏa mãn các điều kiện sau đây:- Áp dụng trong trường hợp người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII (các tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia như tội phản bội tổ quốc, tội gián điệp, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…) và Chương XXVI (các tội phạm về phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh như tội chống loài người, tội làm lính đánh thuê, tội phạm chiến tranh …);
- Việc xem xét, quyết định xóa án tích cho người bị kết án được Tòa án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện (tính chất nguy hiểm của loại tội phạm), nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án;
- Người bị kết án cũng phải đảm bảo đã chấp hành xong hình phạt theo bản án đã có hiệu lực (bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), các quyết định khác của bản án (nếu có) như quyết định bồi thường thiệt hại... và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Tòa án có thẩm quyền quyết định xóa án tích cho người bị kết án là Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án (Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Như vậy, người bị kết án thuộc một trong các tội danh được liệt kê ở trên có quyền làm đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích cho mình nếu đảm bảo các điều kiện luật định như chúng tôi đã giải đáp.Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Đây là chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội có những tiến bộ tích cực trong thời hạn chấp hành bản án. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể được hưởng chính sách này mà chỉ những người bị kết án đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015 mới được Tòa án xem xét cho xóa án tích. Cụ thể các điều kiện đó như sau:- Người bị kết án phải đảm bảo được ít nhất 1/3 thời hạn về đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 (là các thời hạn mà chúng tôi đã nêu ở trên);
- Người bị kết án được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú đề nghị xóa án tích; người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ, đã lập công.Do đó, người bị kết án nếu có những căn cứ cho rằng mình được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt có thể đề nghị Tòa án nhân dân nơi xét xử sơ thẩm vụ án xem xét, quyết định cho phép được xóa án tích.
Kết luận: Pháp luật hình sự hiện nay không quy định về các trường hợp không được xóa án tích, mà quy định về các trường hợp người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, người bị kết án được xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Dựa theo những giải đáp của chúng tôi, bạn có thể đối chiếu với tình huống của mình để có đáp án phù hợp.Trên đây là giải đáp thắc mắc về phạm tội khi chưa được xoá án tích, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Tổng hợp hình phạt với người phạm nhiều tội