Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn là nguyên nhân khiến cho họ vướng vào vòng lao lý. Như vậy, nếu phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) không?
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được giảm nhẹ TNHS?
Chào bạn, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tính đến thời điểm này, không có các văn bản hướng dẫn hay định nghĩa về việc “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra”, nhưng trên thực tiễn có thể hiểu về vấn đề này như sau:
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra là trường hợp bản thân người phạm tội đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về vật chất hoặc tinh thần, những khó khăn này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn hành vi phạm tội của người đó nhằm khắc phục hoàn cảnh khó khăn của bản thân.
Đặc điểm của tình tiết phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:
- Về người phạm tội
Họ phải đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị, bần cùng.
- Về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Người phạm tội không do họ tự gây ra (không có lỗi). Ví dụ người phạm tội rơi vào trình trạng nghèo đói do phải chữa trị bệnh nan y, tình trạng nghèo đói không phải xuất phát từ sự lười biếng của bản thân họ.
Như vậy, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra, mà đó có thể là do thiên tai, địch hoạ hoặc do nguyên nhân khác gây ra, cũng có thể do người khác gây ra. Mức độ khó khăn phải là đặc biệt.
- Về hành vi phạm tội
Phải có nguyên nhân trực tiếp từ hoàn cảnh biệt khó khăn thúc đẩy.
Mức giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ khó khăn cũng như khả năng khắc phục của người phạm tội.
Và chỉ áp dụng giảm nhẹ đối với tình tiết này khi có đủ các điều kiện:
- Phải do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội
- Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra bởi nếu hoàn cảnh khó khăn mà do chính bản thân người phạm tội gây ra thì không được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo tình tiết này.
Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để phạm tội là tình tiết tăng nặng?
Khác với tình tiết phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để phạm tội lại là tình tiết tăng nặng.
Vì vậy trong các phiên tòa xét xử, khi vận dụng tình tiết “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” cần phân biệt với trường hợp phạm tội:
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội.
(điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự)
Để áp dụng tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội cần làm rõ những vấn đề.
1. Phải có sự xuất hiện của thiên tai, dịch bệnh. Và việc xác định thiên tai, dịch bệnh căn cứ vào công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản có liên quan.
Thiên tai, dịch bệnh có thể diễn ra tại nơi người thực hiện tội phạm đang sinh sống, nơi họ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hoặc diễn ra ở địa phương khác.
Khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trước hoặc sau sự việc phạm tội đều có thể áp dụng tình tiết tăng nặng này vì người có hành vi phạm tội cũng có thể lợi dụng những dự báo về hoàn cảnh khó khăn trước khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra hoặc lợi dụng hậu quả của thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi ví dụ như găm khẩu trang chờ dịch Covid bùng phát rồi bán ra với giá cao.
2. Hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh phải tạo ra điều kiện để phát sinh tội phạm. Có nghĩa, có thiên tai, dịch bệnh, mới có thể thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi được thực hiện là do sự xuất hiện của thiên tai, dịch bệnh.
3. Sự lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội, có thể hiểu người phạm tội khai thác hoàn cảnh khó khăn của thiên tai, dịch bệnh để tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi phạm tội.
Không phải hành vi phạm tội nào được thực hiện trong lúc thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra đều bị áp dụng tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội.
Ví dụ: A thực hiện hành vi trộm cắp tại nhà B tại thời điểm dịch Covid hoành hành. Dù được thực hiện trong lúc dịch bệnh diễn ra nhưng không thể áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội được. Vì:
- A không khai thác hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh để phạm tội.
- Không thể khẳng định A sẽ không thực hiện hành vi trộm cắp nếu không có dịch bệnh xảy ra.
Trên đây là những thông tin liên quan đến việc phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Phạm tội 2 lần trở lên là gì? Khác gì với tái phạm?