hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 04/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Xử lý người có hành vi phạm tội với người già như thế nào?

Người cao tuổi cùng với phụ nữ mang thai, trẻ em là các đối tượng được pháp luật bảo vệ và có sự ưu tiên. Vậy nếu có hành vi phạm tội với người già thì phải chịu trách nhiệm hình sự ra sao?

Mục lục bài viết
  • Bao nhiêu tuổi thì được xem là người già?
  • Phạm tội với người già chịu trách nhiệm hình sự ra sao?
  • Ngược đãi người già, phạt bao nhiêu tiền?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi, nếu phạm tội với người già thì bị xử lý thế nào? Phạm tội với người già có phải là một trong những tình tiết tăng nặng theo quy định hay không?

Chào bạn, dù người bị hại có ở độ tuổi nào đi chăng nữa thì người có hành vi phạm tội cũng sẽ chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi phạm tội với một số đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai hay người già...người phạm tội còn có thể chịu án phạt nặng hơn. Cụ thể thế nào, mời bạn theo dõi thông tin sau của chúng tôi.

Bao nhiêu tuổi thì được xem là người già?

Theo quy định tại Luật Người cao tuổi 2009 thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định cụ thể người cao tuổi là như thế nào mà chỉ đề cập trong các quy định xử lý trách nhiệm của người cao tuổi phạm tội hoặc người cao tuổi là nạn nhân bao gồm các trường hợp người "già yếu", "người từ đủ 70 trở lên", "người từ đủ 75 tuổi trở lên".

Trong Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, có nhắc đến người già trong các trường hợp:

- “Người phạm tội là người già” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

- “Phạm tội đối với người già” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tại Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán có hướng dẫn “người già” xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên.

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cũng không còn nhắc đến cụm từ “người già” nữa thay vào đó là thuật ngữ “người đủ 70 tuổi trở lên” hoặc “người già yếu”.

Từ các căn cứ trên, có thể hiểu, hiện nay người già được xác định là người có độ tuổi từ đủ 70 trở lên.

pham toi voi nguoi gia

Phạm tội với người già chịu trách nhiệm hình sự ra sao?

Cùng với trẻ em, phụ nữ mang thai thì người già có các quy định bảo vệ, ưu tiên. Chính vì vậy, phạm tội với người già (cụ thể là người từ đủ 70 tuổi trở lên) được xem là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội.

Đây cũng là quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Phạm tội với người già yếu đồng thời cũng là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 trong các tội sau:

- Tội bắt cóc con tin (quy định tại khoản 2 Điều 301 Bộ luật Hình sự), nếu phạm tội với người già sẽ bị phạt tù từ 3 -7 năm.

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo Điều 134) bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

- Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (theo Điều 137)  bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

- Tội hành hạ người khác (theo Điều 140) bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo Điều 157) bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Tội cướp tài sản (Điều 168) bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

- Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

- Tội cướp giật tài sản (Điều 171) bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185) bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm

- Tội cưỡng bức lao động (Điều 297) bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

- Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368) bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

- Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370) bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

- Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371) bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

- Tội dùng nhục hình (Điều 373) bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

- Tội bức cung (Điều 374) bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377) bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Ngược đãi người già, phạt bao nhiêu tiền?

Phạm tội với người già là tình tiết tăng nặng khi truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, người có hành vi hành vi ngược đãi người cao tuổi còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Cụ thể tại Điều 53 Nghị định này, quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với một trong những hành vi sau đây:

- Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

- Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Ngoài ra, người có hành vi trên buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Trên đây là các thông tin giải đáp về vấn đề phạm tội với người già. Nếu bạn còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Người trên 70 tuổi phạm tội có bị áp dụng hình phạt tử hình?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X