hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 06/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phân biệt hàng giả và hàng nhái như thế nào?

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung và người tiêu dùng nói riêng. Vậy cách để phân biệt hàng giả và hàng nhái như thế nào?

Câu hỏi: Tôi thấy hiện nay hàng giả, hàng nhái trên thị trường rất nhiều. Vậy cho tôi hỏi làm thế nào để phân biệt hàng giả và hàng nhái?

Phân biệt hàng giả và hàng nhái như thế nào?

Buôn bán hàng giả, hàng nhái là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và nền kinh tế cũng như lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Căn cứ khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, “hàng giả” gồm có:

- Hàng có giá trị sử dụng và công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên và tên gọi của hàng hóa; hàng không có giá trị sử dụng và công dụng hoặc có giá trị sử dụng và công dụng không đúng với giá trị, công dụng được công bố hoặc đăng ký.

Phân biệt hàng giả và hàng nháiPhân biệt hàng giả và hàng nhái

- Hàng có ít nhất một trong các tiêu chí chất lượng/đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo ra giá trị và công dụng của hàng hoá chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng đã được đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên bao bì, nhãn hàng hoá.

- Thuốc và dược liệu giả theo khoản 33 và 34 Điều 2 Luật Dược 2016.

- Thuốc thú y, bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không đủ loại hoạt chất đã được đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất được ghi trên nhãn, bao bì; có ít nhất một trong các hoạt chất có hàm lượng chỉ đạt mức 70% trở xuống so với mức tối thiểu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã đăng ký và công bố áp dụng.

- Hàng có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất/nhập khẩu, phân phối; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố hoặc mã vạch của hàng hoá; giả mạo bao bì hàng hoá của cá nhân, tổ chức khác; giả mạo nơi sản xuất, nguồn gốc xuất xứ hoặc nơi đóng gói, lắp ráp.

Do vậy, để xác định được hàng giả thì phải có ít nhất một trong các dấu hiệu giả như trên.

Đối với hàng nhái, xét các quy định pháp luật hiện nay không có bất kỳ văn bản nào định nghĩa “hàng nhái” là gì. 

Thực tế, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những hàng hoá đang lưu thông trên thị trường mà không phải là hàng hóa chính thống do nhà sản xuất, phân phối chính đưa ra thị trường tiêu dùng. 

Vì vậy, thuật ngữ được sử dụng hiện nay theo các văn bản pháp luật chỉ có thuật ngữ “hàng giả”.

Phân biệt hàng giả và hàng nhái như thế nào?Phân biệt hàng giả và hàng nhái như thế nào?

Tuy nhiên, có thể phân biệt hàng giả và hàng nhái theo các nội dung sau:

Nội dung

Hàng giả

Hàng nhái

Khái niệm

Là sản phẩm được sản xuất trái quy định, hình dáng giống với sản phẩm thật. 

Là sản phẩm được lưu thông không phải là sản phẩm chính thống mà nhà sản xuất, phân phối đưa ra thị trường. Được sao chép từ sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng hoặc sản phẩm được Nhà nước cấp phép.

Tính chất

Không có giá trị sử dụng hoặc sử dụng không đúng với công dụng được công bố.

Được làm dựa theo công thức của sản phẩm chính hãng nhưng chất lượng khác biệt nhiều so với hàng chính hãng.

Đặc điểm

Thiết kế giống sản phẩm chính hãng, nhưng được làm bằng thành phần, vật liệu có chất lượng thấp.

Sản phẩm giống với sản phẩm chính hãng nhưng sẽ không giống hệt, mạo danh sản phẩm uy tín để thu lợi. Không có nhãn hiệu thương mại hoặc logo y hệt sản phẩm chính, thường có lỗi chính tả trong tên thương hiệu, màu sắc đậm/nhạt hơn, chữ trên bao bì dễ bong tróc hơn.

Tác hại

Ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm, sức khỏe người tiêu dùng và kinh tế.

Làm người tiêu dùng hiểu nhầm thành thương hiệu tốt khác để kinh doanh.

 

Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý thế nào?

Đối với hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái

Căn cứ Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và điểm a khoản 8 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, mức xử phạt hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái như sau:

Trường hợp

Mức phạt tiền

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị dưới 03 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 05 triệu đồng.

Từ 02 - 05 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 03 - dưới 05 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 05 - 10 triệu đồng.

Từ 05 - 08 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 05 - dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10 - dưới 20 triệu đồng.

Từ 08 - 15 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 10 - dưới 20 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20 - dưới 30 triệu đồng.

Từ 15 - 25 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 20 - dưới 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30 - dưới 50 triệu đồng.

Từ 25 - 40 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên.

Từ 40 - 50 triệu đồng.

Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý thế nào?Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái bị xử lý thế nào?

Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt nêu trên đối với một trong các trường hợp: 

- Thực phẩm, phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, thuốc và nguyên liệu làm thuốc nhưng không bị truy cấp trách nhiệm hình sự.

- Thức ăn cho chăn nuôi, thuỷ sản, sản phẩm dùng để xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật. giống cây trồng, vật nuôi.

- Mỹ phẩm, chất tẩy rửa, hóa chất, trang thiết bị y tế, chế phẩm diệt côn trùng và diệt khuẩn, xi măng, sắt thép, mũ bảo hiểm.

Đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái

Căn cứ Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, mức xử phạt hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái như sau:

Trường hợp

Mức phạt tiền

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị dưới 03 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 05 triệu đồng.

Từ 01 - 03 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 03 - dưới 05 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 05 - 10 triệu đồng.

Từ 03 - 05 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 05 - dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10 - dưới 20 triệu đồng.

Từ 05 - 10 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 10 - dưới 20 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20 - dưới 30 triệu đồng.

Từ 10 - 20 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 20 - dưới 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30 - dưới 50 triệu đồng.

Từ 20 - 30 triệu đồng.

Hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên.

Từ 30 - 50 triệu đồng.

Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt nêu trên đối với một trong các trường hợp: 

- Thực phẩm, phụ gia, chất bảo quản thực phẩm, thuốc và nguyên liệu làm thuốc nhưng không bị truy cấp trách nhiệm hình sự.

- Thức ăn cho chăn nuôi, thuỷ sản, sản phẩm dùng để xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật. giống cây trồng, vật nuôi.

- Mỹ phẩm, chất tẩy rửa, hóa chất, trang thiết bị y tế, chế phẩm diệt côn trùng và diệt khuẩn, xi măng, sắt thép, mũ bảo hiểm.

Trên đây là những thông tin về phân biệt hàng giả và hàng nhái. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến tổng đài:  19006192 để được giải đáp.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X