Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của những hàng hoá, dịch vụ phát sinh. Vậy phí bảo vệ môi trường có chịu thuế GTGT không? Cách viết hóa đơn có thuế bảo vệ môi trường như thế nào?
Phí bảo vệ môi trường là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính thức về phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể thấy, phí bảo vệ môi trường là một khoản thu bắt buộc đối với tổ chức/cá nhân có xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu với môi trường sống thì phải nộp phí bảo vệ môi trường.
Phí bảo vệ môi trường là gì?
Phí bảo vệ môi trường được sử dụng để cơ quan nhà nước thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường và bù đắp lại những tổn thất mà môi trường phải gánh chịu từ hoạt động của con người.
Theo Khoản 2 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với các hoạt động sau:
- Hoạt động xả thải ra môi trường;
- Hoạt động khai thác khoáng sản;
- Hoạt động gây ra ảnh hưởng xấu, tác hại đến môi trường;
- Hoạt động dịch vụ công trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, phí bảo vệ môi trường được xác định dựa trên các cơ sở: khối lượng xả thải, mức độ độc hại, đặc điểm môi trường nhận chất thải, mức độ thiệt hại gây ra với môi trường, tính chất dịch vụ công.
Theo đó, những cá nhân/tổ chức nào có xả thải ra môi trường thì đều phải nộp phí bảo vệ môi trường. Các cơ quan thu phí bảo vệ môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã tại địa phương.
Có thể nói, việc nộp phí bảo vệ môi trường sẽ có tác động khuyến khích các tổ chức, cá nhân giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó bảo vệ môi trường. Đồng thời, góp phần tạo nguồn thu cho các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường.
Phí bảo vệ môi trường có chịu thuế GTGT không?
Theo quy định, phí bảo vệ môi trường phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Phí bảo vệ môi trường có chịu thuế GTGT không?
Cụ thể, theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, các hàng hóa/dịch vụ sử dụng cho quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam thuộc các đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định.
Tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2016, thì phí bảo vệ môi trường không rơi vào các đối tượng không chịu thuế GTGT như đã liệt kê tại quy định này. Do đó, phí bảo vệ môi trường phải chịu thuế GTGT.
Vậy phí bảo vệ môi trường chịu thuế GTGT với thuế suất bao nhiêu phần trăm? Hiện nay, theo quy định có 03 mức thuế suất là 5%, 8% và 10%.
Phí bảo vệ môi trường không thuộc trường hợp được áp dụng thuế suất 05% (Theo Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008) và cũng không thuộc trường hợp được giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% còn 8% theo quy định của Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
Như vậy, theo Khoản 3 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, phí bảo vệ môi trường sẽ được áp dụng mức thuế GTGT là 10%.
Phí bảo vệ môi trường trong hóa đơn tiền nước
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10%/giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.
Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:
Số phí phải nộp (đồng) | = | Số lượng nước sạch sử dụng (m3) | x | Giá bán nước sạch(đồng/m3) | x | Mức thu phí |
Trong đó, số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí.
Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.
Giá bán nước sạch là giá bán nước (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của tổ chức cung cấp nước sạch áp dụng trên địa bàn.
Nước thải sinh hoạt là nước thải từ hoạt động của:
- Hộ gia đình, cá nhân;
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác (gồm cả trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức này), trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức này;
- Cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy;
- Cơ sở khám, chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn, đào tạo, nghiên cứu;
- Cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác không thuộc trường hợp về nước thải công nghiệp.
Trên đây là một số thông tin về phí bảo vệ môi trường có chịu thuế GTGT không và cách viết hóa đơn có thuế bảo vệ môi trường như thế nào. Nếu có thắc mắc liên quan đến nội dung này, bạn đọc vui lòng liên hệ đến số hotline 19006192 để được tư vấn và hỗ trợ.